Vì sao không phải lúc nào hỏi người thông minh, thành công cũng là ý kiến hay?

Mỗi khi gặp rắc rối ở một lĩnh vực nào đó ta thường nghĩ tới những người thông minh, thành công để xin lời tư vấn, thế nhưng nhiều lúc điều này không đúng và nó không mang lại cho bạn nhiều lợi ích.


Ảnh minh họa

Mỗi khi gặp thắc mắc về một vấn đề nào đó, chúng ta thường liên tưởng ngay tới những người thông minh hay thành công như nguồn kiến thức có thể gỡ rối cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ, bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, chắc chắn bạn sẽ muốn xin lời gợi ý từ Stephen King, một tác giả huyền thoại với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Tất nhiên, xin gợi ý từ Stephen King để viết tiểu thuyết cho một người mới bắt đầu là tư tưởng không tệ đúng không? Khi bắt đầu tại sao không bắt đầu lớn mà phải hỏi những tác giả “nhàng nhàng” để lấy kiến thức cơ bản?

Tương tự, những người làm khoa học sẽ liên tưởng ngay tới Einstein hay Stephen Hawking cho những giả thuyết của họ, có được lời tư vấn từ những tượng đại này sẽ thật tuyệt vời, nếu làm kinh doanh thì phải hỏi Bill Gates…

Chưa chắc lời khuyên của Bill Gates đã đúng với bạn.

Mặc dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng đúng

Vấn đề cơ bản là có muốn gặp Stephen King hay Bill Gates bạn cũng khó lòng gặp được họ, khi bạn đã có khả năng gặp được họ rồi thì rắc rối ban đầu của bạn không nên ở đây, phải không? Thế nhưng, hãy chuyển sang những cách giải thích có phần logic hơn một chút.

Bạn nên xin lời khuyên từ những người hơn mình một chút mà thôi

Giả sử bạn muốn học tiếng Pháp và có một người bạn đã học tiếng Pháp được cả chục năm, nói năng trôi chảy như người Pháp rồi, vậy mà bạn lại không nên hỏi họ, hãy hỏi những người mới học hơn bạn một thời gian thôi.

Il vaut mieux faire que dire.

Tại sao lại thế? Chẳng phải những người có nhiều kinh nghiệm sẽ có câu trả lời hoàn hảo hơn?

1. Khi đã lên tới đỉnh rồi ít ai nhớ tới thời điểm mình bắt đầu như thế nào

Khi bạn hỏi ai đó về vấn đề gì, đó sẽ là vấn đề quan trọng với bạn, một vấn đề mà nhiều người bắt đầu mới gặp phải. Giả sử bạn thử hỏi người học tiếng Pháp cả chục năm xem, họ sẽ có tư duy hoàn toàn khác với bạn. Lý do ư? Vì họ đã hiểu bản chất vấn đề, hiểu được sự tổng thể nên lời khuyên mà họ cho bạn sẽ là lời khuyên đúng với họ chứ chẳng phải đúng với bạn.

Giống với một người họa sĩ nổi tiếng có nhiều năm vẽ tranh, ông ta sẽ tập trung nhiều thời gian để tạo nên những tác phẩm đẳng cấp mà chẳng quan tâm tới số lượng trong khi đó dân nghiệp dư sẽ tập trung nhiều hơn vào số lượng để cải thiện chính bản thân mình. Nếu bạn là một họa sĩ nghiệp dư và hỏi một họa sĩ chuyên nghiệp rằng mình nên bắt đầu ở đâu, khả năng lớn người họa sĩ kia sẽ cho bạn lời khuyên là bắt đầu với những tác phẩm đẳng cấp, thứ mà trình độ hiện tại của bạn chẳng làm nổi.

Mặc dù vậy, nếu bạn hỏi một người bắt đầu trước bạn một thời gian, họ sẽ cho bạn câu trả lời bạn cần biết, bạn phải bắt đầu với loại màu này, loại bút kia hay tập vẽ những thứ nhất định…

2. Chặng đường phát triển của mọi người chẳng ai giống ai

Mỗi người, mỗi cá nhân đều độc đáo thế nên cách tiếp cận vấn đề của họ đúng với họ chứ chưa chắc đã đúng với bạn. Họ học chơi đàn chẳng hạn và học về nhạc lý trước tiên trong khi các kĩ thuật với cây đàn lại để một thời gian sau mới để tâm tới. Thế nhưng, với một người bắt đầu, đa phần mục tiêu của họ là chơi được luôn, đơn giản cũng được nhưng phải có kết quả ngay, điều này ngược với tư duy của người ví dụ trên.

Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, lượng tư liệu, tài nguyên mà bạn tiếp cận sẽ nhiều hơn rất nhiều. Những người đi trước thiếu thốn hơn về tư liệu nên cách thức học tập, rèn luyện của họ sẽ khác bạn rất nhiều, bạn có thể tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức nếu sử dụng những tư liệu tân tiến hơn, phù hợp hơn.

3. Mục đích và lối tư duy của con người khác nhau

Rồi, bạn hỏi Bill Gates cách để trở thành tỷ phú, chắc chắn ông sẽ hướng dẫn bạn tới với những ngành nghề kĩ thuật, lao mình vào những phát minh mới thay đổi cuộc sống loài người. Thế nhưng, bạn lại đam mê hơn vào đầu tư mạo hiểm để giàu có, sự lệch lạc trong tư duy khiến những lời khuyên của Bill Gates có phần thừa thãi.

Còn ví dụ bạn hỏi Stephen King cách tạo nên một tác phẩm tiểu thuyết, với mục tiêu tiếp cận độc giả và đưa ra cốt truyện tuyệt vời, cách thức tiếp cận của Stephen King sẽ khác hẳn với một người chỉ muốn viết cho xong cuốn tiểu thuyết đầu tay.

Mặc dù vậy, khi hỏi những người mới bắt đầu giống như bạn, khả năng lớn bạn sẽ tìm được một người có cùng chí hướng, cùng lối tư duy. Không những họ cung cấp cho bạn những gì họ đã trải qua một cách chi tiết mà còn gợi ý cho bạn những điều cần tránh, những rủi ro có thể gặp phải hay cách thức ngắn, đường tắt để đạt được mục đích nhanh hơn.

Kết

Tất nhiên, không phải lúc nào hỏi người thông minh cũng là một điều tệ hại, giả sử bạn có cùng luồng tư duy, suy nghĩ và tài nguyên như người ấy, những gì họ cũng cấp cho bạn sẽ hết sức quý giá. Đặc biệt là chặng đường về sau này, những thứ mà họ vừa mới trải qua, họ sẽ cung cấp cho bạn nguồn kiến thức đầy đủ nhất.

Thế nhưng nếu đặt mục tiêu cho bản thân và nó có phần nhỏ bé hoặc bạn mới bắt đầu, lý tưởng nhất sẽ là hỏi một người giống bạn, chỉ có điều họ bắt đầu sớm hơn vài bước. Khi đó thứ họ cung cấp cho bạn không phải là một câu chuyện vài năm nữa mới làm được mà nó thực tế, cụ thể và là một chặng đường có thể bước đi ngay lập tức.

Theo Trí Thức Trẻ