3 câu chuyện của người xưa về thắng thua, được mất ở đời: Vận vào ai cũng thấy đúng!

Mọi chuyện trên đời không thể tất cả đều theo ý nguyện của bạn. Có mất mới có được. Học cách buông bỏ cũng là một bước quan trọng để trưởng thành.


Ảnh minh họa

Ba câu chuyện của người xưa dưới đây sẽ dạy bạn về thắng thua, thành bại và cách sống ở đời. Vận dụng thật kỹ, bạn sẽ luôn tìm thấy những bài học trong cuộc sống cho riêng mình.

Câu chuyện số 1

Năm ấy, đại tướng quân khai quốc của triều Hán là Hàn Tín bị một tên du côn làm nhục bắt chui qua háng. Việc này đối với bất cứ ai đều là một sự sỉ nhục lớn, người khác có thể sẽ ôm mối hận trong lòng và tìm cách trả thù tên du côn kia. Nhưng với Hàn Tín, ông có một cách “giải hận” khiến người đời sau vô cùng khâm phục.

Sau khi Hàn Tín được Lưu Bang phong làm Sở Vương, quay trở lại quê hương, Hàn Tín sai người gọi tên du côn kia đến. Tên này quỳ rạp trên mặt đất sợ hãi vô cùng, nghĩ bụng phen này bản thân không thoát khỏi cảnh đầu lìa khỏi cổ.

Nhưng Hàn Tín chẳng những không xử tử tên du côn đó, thậm chí còn phong cho hắn làm trung úy nước Sở, phụ trách trị an và tuần tra trong kinh thành.

Mọi người có mặt lúc đó đều vô cùng ngạc nhiên, Hàn Tín nói với các tướng văn võ: “Đây là tráng sĩ đấy. Năm xưa lúc hắn làm nhục ta, ta có phải không giết được hắn đâu? Nhưng giết hắn thì ta sẽ bị xử tử, mà ta lại là người muốn làm đại sự nên không thể giết hắn. Hôm nay, ta được phong Vương, đều là nhờ sự khích lệ của hắn. Ta không thể giết chết một tráng sĩ chỉ vì thân phận của mình thay đổi. Nếu như ta không vứt bỏ lại oán hận và đau thương của cá nhân phía sau, thì hiện giờ ta vẫn chỉ là một tên Hàn Tín ăn mày nghèo đói năm đó mà thôi”.

Bài học rút ra:

Người có chí lớn, nhất định phải là người độ lượng và bao dung, có thể chịu được áp bức và lăng nhục, quên hết những đau khổ trong quá khứ, như vậy làm việc gì cũng sẽ thành công. Nhưng người luôn mang hận ghi thù trong lòng, vĩnh viễn không thể làm nên việc lớn gì.

Câu chuyện số 2

Khi một đàn dê nghỉ ngơi ăn cỏ, nhất định sẽ có một con đứng làm nhiệm vụ “canh gác”. Con dê này sẽ phụ trách nghe ngóng xung quanh, chỉ cần có điều gì bất thường nó sẽ kêu thật lớn để cảnh báo đồng loại. Do đó, một con sói đã mấy lần ý đồ đến gần đàn dê để săn mồi đều không thành công.

Sau một thời gian quan sát, con sói đã nghĩ ra một biện pháp. Nó trực tiếp lao thẳng vào đàn dê, đợi con dê canh gác kêu xong nó sẽ ẩn núp ở chỗ gần đấy. Đàn dê sau nhiều lần chạy trốn thấy không có gì nguy hiểm, liền cho là con dê canh gác “thần hồn nát thần tính”.

Con dê canh gác thấy vậy cũng không phản ứng gì. Đợi đến một lần khác con sói tiếp tục giở trò, nó không kêu tiếng nào nữa, chỉ lặng lẽ rời đi một mình. Kết quả, cả đàn dê bị thương vong gần một nửa.

Bài học rút ra:

Sống ở đời, người trung thành thường dễ bị hiểu lầm. Nhưng đáng tiếc là, sau nhiều lần bị nghi ngờ, họ lại không còn kiên trì với lòng trung thành của mình nữa.

Câu chuyện số 3

Một người khách hành hương hỏi một vị cao tăng đắc đạo trong chùa: “Trước khi đắc đạo, ngài thường làm gì?” Vị cao tăng trả lời: “Đốn củi, đun nước, nấu cơm”.

Người khách hành hương lại hỏi: “Vậy sau khi đắc đạo ngài làm gì?” Vị cao tăng đáp: “Đốn củi, đun nước, nấu cơm”.

Người khách hành hương nghe vậy cảm thấy rất khó hiểu nên hỏi tiếp: “Cứ làm như vậy sao ngài có thể đắc đạo được?” Vị cao tăng nói: “Trước khi đắc đạo, khi tôi đốn củi sẽ nhớ đến đun nước, khi đun nước nhớ đến nấu cơm, khi nấu cơm sẽ nhớ đến đốn củi; còn sau khi đắc đạo, đốn củi thì cứ đốn củi, đun nước thì cứ đun nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm thôi”.

Bài học rút ra:

Đôi khi bạn không thành công, không phải do bạn làm ít. Có thể bạn làm rất nhiều việc, nhưng đồng thời cũng suy nghĩ quá nhiều, lo trước lo sau, sợ cái này sợ cái kia thì chẳng làm nên được việc gì.

Theo Trí Thức Trẻ