Mặc dù vậy, Chính phủ luôn nhận thức rõ còn nhiều tồn tại phải tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu bền vững.
Tăng hạng liên tục
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng 55/137 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018. Đây là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc.
Để có kết quả này, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã khảo sát 137 nền kinh tế dựa trên 12 tiêu chí về khả năng cạnh tranh, chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản – y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi – đột phá (sự tinh vi của hệ thống DN, khả năng đột phá).
Việt Nam được đánh giá là đã có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Bên cạnh đó, thương mại cũng là một yếu tố lớn giúp Việt Nam thăng hạng, khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu.
Việc tăng thứ hạng liên tục trong những năm gần đây phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được ban hành hàng năm là nỗ lực lớn của Chính phủ.
Cùng với đó, hơn một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN cũng đem lại thành quả ban đầu cho thấy chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ DN đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp… là hoàn toàn đúng đắn.Dẫn chứng là tại Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng 9 bậc so với năm 2016.
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp số DN thành lập mới đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. “Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ về thể chế, việc cải cách này sẽ giúp cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư thời gian tới” – Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt nói.
Vẫn còn nhiều việc phía trướcTheo đánh giá của các chuyên gia, dù thăng hạng liên tục trong những năm qua nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở nhóm trung bình của danh sách trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu và ở sau 4 nước ASEAN là Singapore (thứ 3), Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 36). Để tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của WEF, thu hút thêm các nhà đầu tư, Chính phủ cần tích cực triển khai nhiều chương trình hành động hơn nữa.
Thực tế, tại Việt Nam hiện nay mới có 45% DN có công nghệ trung bình thấp và chỉ khoảng 2% DN có trình độ cao, trong khi công nghệ hiện đại là chìa khóa để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như DN. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý tinh tế T.Ư (Ciem) Phan Đức Hiếu phân tích: Báo cáo lưu ý rằng, trình độ phát triển kinh doanh tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 100).
Điều này thể hiện qua sự giảm điểm và giảm bậc về chất lượng và số lượng DN cung ứng, mức độ phát triển cụm ngành. Ngoài ra, vẫn còn 4/12 chỉ số trụ cột giảm bậc, trong đó giảm nhiều nhất là hiệu quả thị trường hàng hóa (giảm điểm và giảm 10 bậc), thể hiện ở sự suy giảm mức độ cạnh tranh hiệu lực của chính sách chống độc quyền. “Một nửa chỉ số trụ cột vẫn chưa được cải thiện và kết quả này chưa bảo đảm tính bền vững”- ông Hiếu nhận xét.
Trong khi Việt Nam cải cách một vài vấn đề hoặc cải cách được coi là nhanh chóng, có tính lịch sử như Bộ Công Thương quyết định xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh thì các nước trong khu vực đã loại bỏ, thậm chí không cho phép các điều kiện kinh doanh này tồn tại từ khá lâu. Họ cải cách đi vào những cái động viên, khích lệ và tạo giá trị gia tăng trong nước chứ không phải là “gỡ”, “phá” từ những cái chúng ta tự tạo ra rồi đập đi.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được Chính phủ rất chú trọng. Bởi vậy, bên cạnh việc Chính phủ phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn mực quốc tế, thì DN cũng phải nâng cấp mình. DN cần phải thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính, đảm bảo sự minh bạch, liêm chính, thay vì tìm những mối quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận bất minh.
5 nhóm giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia
Thứ nhất, giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh. Thứ hai, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đổi mới, sáng tạo. Thứ ba, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình DN của Việt Nam, tăng cường khởi sự DN. Tạo lập môi trường pháp lý đảm bảo quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Thứ năm, tăng cường hội nhập, kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững.
(Nguồn: Ban Kinh tế T.Ư)
Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam của các tổ chức ADB, WB, IMF đều chung nhận định: Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định, cải cách mạnh mẽ và đúng hướng, lạm phát được giữ ở mức thấp, cán cân thanh toán cân đối, tỷ giá được điều hành tốt… là lợi thế của Việt Nam. Tuy vậy, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh bị hạn chế bởi đầu tư chưa hiệu quả, mất cân đối tài khóa, nợ xấu chưa giải quyết trong ngành ngân hàng đòi hỏi phải quan tâm giải quyết.
Đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19/2017 trong quý III/2017, Bộ KH&ĐT cho biết, các Bộ, ngành gồm: KH&ĐT, Tài chính, KH&CN, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt một số kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước. Theo Bộ KH&ĐT, việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với DN.
Theo kinhtedothi