Bạn không hề nhận ra rằng các ông lớn công nghệ đang “tử chiến” để giành lấy một thị trường đã gần 70 năm tuổi đời

Bước qua từng cuộc cách mạng công nghệ, không có mấy ai nghĩ rằng chiếc TV lại có thể là một chiến trường khốc liệt mà cả Apple, Samsung, Google, Microsoft lẫn Amazon đều thèm muốn. sự thật là hoàn toàn ngược lại: Với các gã khổng lồ này, chiếc TV của ngày hôm nay có vai trò quan trọng không kém gì smartphone.


Ảnh minh họa

Tại sao lại nói TV là loại thiết bị có vai trò quan trọng không thua kém gì smartphone? Thực tế, ngay cả khi tuổi đời đã lên hàng chục năm, chiếc TV vẫn là cánh cổng dẫn người dùng đến với vô số các loại nội dung số quan trọng như nhạc, phim, game. Với smart TV, danh sách này bao gồm cả web và ứng dụng, hay nói cách khác là bất cứ loại nội dung nào smartphone hay PC có thể hiển thị. Chiếc TV truyền thống hoặc một bộ set-top box cũng có thể thay thế những chiếc loa thông minh như Amazon Echo hay Google Home để trở thành ngôi nhà của các trợ lý ảo.

Tiếp đến, chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu trong các hệ sinh thái sản phẩm thông minh. Dù đã lỗi thời nhưng chiếc TV vẫn có đầy đủ khả năng để chiếm hữu trọn vẹn buổi tối và/hoặc trải nghiệm giải trí của người dùng. Nếu Apple có thể sử dụng Apple TV để thuyết phục người dùng rằng Apple Music là dịch vụ stream nhạc/MV tuyệt vời nhất, iPhone sẽ có thêm lợi thế trong cuộc chiến smartphone. Nếu Android TV có thể bành trướng như Android di động, YouTube sẽ lại càng vững vàng trong cuộc đấu khó khăn trước Facebook.

Chính bởi 2 lý do vô cùng quan trọng này mà tất cả các gã khổng lồ công nghệ đều đang có những động thái rất quyết liệt trong công cuộc xâm chiếm phòng khách của người dùng. Quan trọng hơn, có thể nói rằng các hãng đang tiếp cận cuộc chiến TV mới theo những cách khá khác biệt. Đầu tiên vẫn phải kể đến 2 ông lớn Apple và Google. Trong năm 2014, Apple đã bất ngờ làm mới bộ đầu phát Apple TV trở thành một nền tảng “thông minh” thực sự, có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn độc lập với macOS và iOS. “Tương lai của TV là app”, Apple khẳng định.

Đó không phải là một khái niệm quá mới mẻ với Android TV. Đáng tiếc rằng hệ điều hành dành riêng cho TV của Google vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà sản xuất tên tuổi ngoại trừ 4 tên tuổi hiện giờ đã khá mờ nhạt là Sony, Toshiba, Phillips và Xiaomi. Trên mặt trận set-top box, Android TV đang là hệ điều hành được NVIDIA lựa chọn cho Shield Android TV. Đây chắc chắn sẽ là sản phẩm phần cứng Android TV đáng chú ý nhất: nếu thành công, NVIDIA sẽ chứng minh rằng TV/đầu phát có thể là điểm quy tụ của phim, nhạc, app và cả game casual, mảng game đang có doanh thu vượt trội so với các đầu game “hardcore” truyền thống.

Cũng vẫn là Android nhưng Fire TV của Amazon hứa hẹn sẽ là một đối thủ rất đáng gờm của Google. Thông qua các bản Android fork trên tablet Fire trước đây và Fire TV hiện nay, Amazon đã xây dựng thành một thế lực phân phối/phát triển nội dung có khả năng cạnh tranh trực tiếp với cả Apple, Google lẫn Netflix. Tiến về tương lai, các thế mạnh về nội dung và mức giá hứa hẹn sẽ giúp Amazon tiếp tục là một thế lực hùng mạnh trong phòng khách.

Các bộ đầu phát “đầy đủ” không phải là chiến trường duy nhất của Google và Amazon. Năm 2013, gã khổng lồ tìm kiếm khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi bất ngờ thành công với Chromecast, chiếc “bút phát nội dung” nhỏ cho phép người dùng stream nội dung trực tiếp từ smartphone, tablet và trình duyệt desktop. Một năm sau, Amazon đối nghịch hoàn toàn với triết lý đơn giản của Google khi ra mắt mẫu Fire TV Stick có đầy đủ tính năng của Fire TV bản lớn.

Đến năm 2016, Fire TV Stick được cập nhật thêm một tính năng vô cùng quan trọng: trợ lý ảo Alexa bên trong điều khiển – cũng chính là phương hướng quảng bá trợ lý ảo đã từng được Apple áp dụng cho Apple TV một năm trước đó. Trong khi Google vẫn đang tỏ ra khá lúng túng trước cuộc cách mạng giao diện giọng nói, sự quyết liệt của Amazon và Apple hoàn toàn có thể mở ra một chương mới cho phương thức giao tiếp giữa người dùng và TV.

So với các ông lớn kể trên, cựu vương Microsoft đang tỏ ra khá mờ nhạt khi không sở hữu một sản phẩm set-top box hoặc stick nào cả. Sự bình thản này của Microsoft không có gì khó hiểu: sau cú vấp chân của Nintendo, gã khổng lồ phần mềm vẫn đang là một trong hai đối thủ duy nhất đáng kể tên trên mặt trận game console. Với “đại chiến lược” biến Windows thành hệ điều hành cho tất cả các loại thiết bị, Microsoft sẽ không nỗ lực đưa TV về gần smartphone/thiết bị như Apple và Google mà chắc chắn sẽ tìm cách tạo ra một trải nghiệm “Windows 10 phòng khách” dành riêng cho Xbox. Tuy vậy, điểm yếu cố hữu về nội dung (ứng dụng, nhạc, phim…) của Microsoft chắc chắn sẽ là một vấn đề nan giải trong tương lai xa.

Cuối cùng, chúng ta có 2 gã khổng lồ hiện vẫn đang thống trị ngành công nghiệp TV toàn cầu: Samsung và LG. Với nguồn sống đến từ phần cứng, 2 gã khổng lồ này đang tỏ ra không mấy mặn mà với Android TV hay Windows 10: Samsung đang sử dụng Tizen còn LG đang dùng webOS. Lựa chọn hệ điều hành “chính chủ” thay vì sử dụng lại hệ điều hành của hãng khác cho thấy 2 ông lớn Hàn Quốc đang đặc biệt chú trọng tới vị trí của chiếc TV trong hệ sinh thái công nghệ của tương lai.

Rõ ràng, cuộc chiến TV đang bắt đầu đi vào giai đoạn nóng nhất. Tất cả những ván bài lâu đời như nội dung, ứng dụng lẫn mới mẻ như trợ lý ảo hiện đều đang quy tụ vào chiếc TV đã có hàng chục năm tuổi đời. Kẻ thắng, kẻ bại hồi sau sẽ rõ, nhưng chắc chắn trong cuộc chiến này sẽ không có chiến thắng nào không huy hoàng và không có thất bại nào không đau đớn.

Theo Trí Thức Trẻ