Khoa học chứng minh suy nghĩ tích cực đôi khi lại là rào cản trên con đường đến thành công của bạn

“Hãy suy nghĩ tích cực và thành công sẽ đến.”


Ảnh minh họa

Sức mạnh của câu thần chú này thường bị thổi phồng lên như một bí quyết để thành công. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Gabriele Oettingen lại nghĩ khác. Bà cho rằng những suy nghĩ lạc quan thực ra lại có thể trở thành vật cản khiến bạn không đạt được mục tiêu của mình.

Trên thực tế, bà còn nói rằng khi đang theo đuổi những mục tiêu cực kỳ quan trọng, thì tư tưởng lạc quan sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.

Trong một nghiên cứu, Oettingen chia ngẫu nhiên các sinh viên ra thành 2 nhóm. Bà yêu cầu nhóm đầu tiên mơ tưởng về việc được điểm cao, được dự những bữa tiệc hoành tráng và suy nghĩ tích cực về mọi điều có thể xảy ra trong tuần tiếp theo. Các sinh viên ở nhóm thứ 2 được yêu cầu ghi lại những suy nghĩ của mình và nghĩ về tuần tiếp theo, bất kể là những ý nghĩ đó tốt hay xấu. Điều đáng ngạc nhiên là những sinh viên ở nhóm 1 lại hoàn thành được ít việc đã đề ra hơn so với sinh viên ở nhóm 2 – những người có lối suy nghĩ thực tế hơn.

Sự lạc quan mù quáng hóa ra lại không có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ như ta vẫn nghĩ. Tại sao lại như vậy?

Suy nghĩ tích cực sản sinh ra một phản ứng tâm lý – làm giảm huyết áp của bạn – và Oettingen cho rằng phản ứng này khiến động lực của chúng ta không còn mạnh mẽ như lúc đầu nữa. Trạng thái thư giãn này có thể tạo ra cảm giác thỏa mãn. Khi mơ tưởng về điều gì đó, chúng ta muốn đánh lừa tâm trí của mình để nghĩ rằng mình đã đạt được điều đó rồi, và vì thế sẽ làm giảm động lực cần có để thực sự đạt được điều đó.

Trong khi Oettingen nói rằng điều này không có nghĩa là chúng ta lúc nào cũng phải suy nghĩ tiêu cực, thì vấn đề có vẻ sẽ xảy ra khi chúng ta chỉ mơ tưởng về một mục tiêu mà mình muốn đạt được. Suy nghĩ tích cực về việc các mục tiêu trở thành hiện thực sẽ không mang lại cho chúng ta năng lượng và nỗ lực cần thiết để nhận ra các mục tiêu này.

Để thực hiện điều này, Oettingen đã xây dựng một kỹ thuật gọi là “tương phản tâm trí”, một phương pháp kết hợp thực tế, giúp người ta thấy rõ những mong muốn của mình và nhận diện được những trở ngại. Phương pháp này được khái quát lại bởi từ viết tắt WOOP (Wish, Outcome, Obstacle, Plan).

Wish (Mong muốn): Cứ tiếp tục mơ tưởng để biết được mình muốn gì.

Outcome (Kết quả): Tưởng tượng ra kết quả, cho phép bản thân mình trải nghiệm cảm giác đạt được điều mình mong muốn.

Obstacle (Trở ngại): Nhận diện những gì ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình và khiến bạn không có được trải nghiệm mà mình mong muốn.

Plan (Kế hoạch): Đặt ra kế hoạch thực hiện, suy nghĩ xem bạn sẽ vượt qua những trở ngại mình nhận diện được như thế nào.

Quá trình tương phản tâm trí này không chỉ gắn những ước mơ của bạn với hiện thực, mà nó còn có thể giúp bạn đặt ra mức độ ưu tiên cho những việc cần làm. Hơn nữa quá trình này còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi mơ tưởng viển vông về một mục tiêu bất hợp lý mà bạn không thể đạt được.

Theo Trí Thức Trẻ