Năm 2016 khép lại với những điểm sáng và tối đan xen trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng GDP của nước ta mặc dù nằm trong top các nước tăng trưởng mạnh nhất thế giới, đạt 6,21% nhưng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát được kiểm soát thành công ở mức 4,74%, giải ngân FDI đạt hơn 15,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 15,18 tỷ USD, giảm 2,5% năm trước.
Trước các diễn biến khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, nhân dịp đầu năm mới 2017, báo giới đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) về các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2017.
Thưa ông, năm 2016 GDP Việt Nam tăng trưởng 6,21%, con số này không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra, theo ông điều này có ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Thị trường Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Tăng trưởng GDP là một trong các con số để nhà đầu tư quốc tế đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế. Năm vừa qua Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp đầu năm bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, giá dầu thô ở mức thấp ảnh hưởng đến thu chi ngân sách.. Tôi cho rằng con số 6,21% không phải quá dở.
Đặc biệt với ngành nông nghiệp, sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, kết quả chung cả năm toàn ngành vẫn đạt tăng trưởng dương 1,36% so với năm trước và giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã thu về 32,1 tỷ USD, vượt kế hoạch đặt ra đầu năm.
Năm 2017 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao 6,7%.
Tất cả điều này nói lên rằng ý thức của hệ thống chính trị muốn nền kinh tế phát triển, đồng thời tính minh bạch rất cao. Khi mục tiêu không đạt được thì nói là không đạt được chứ không hình thức hóa và che giấu hay điều chỉnh mục tiêu. Với các nhà đầu tư nước ngoài điều này rất quan trọng vì nó thể hiện độ minh bạch lớn.
Quan điểm của ông năm 2017 bức tranh kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao?
Tôi cho rằng bên cạnh những thuận lợi đã có được từ năm 2016 thì năm 2017 là một năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Thế giới bất ổn và khó lường nên chúng ta phải tập trung vào nguồn lực trong nước thay vì chờ đợi các yếu tố bên ngoài bởi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở. Câu chuyện nợ công vẫn còn đó, nợ đến hạn phải trả trong khi ngân sách tiếp tục bội chi. Chính phủ muốn duy trì tăng trưởng ở mức cao mà thông thường để đạt mức tăng trưởng cao phải đi kèm với nới lỏng tín dụng, điều này có thể dẫn đến lạm phát quay trở lại. Cuối cùng, câu chuyện tỷ giá sẽ là một bài toán nan giải khi FED tăng lãi suất kéo theo đồng USD ở mức cao.
Vậy theo ông giải pháp nào để Chính phủ đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững?
Tôi cho rằng trong khó khăn vẫn có cơ hội nếu chúng ta có cách làm riêng. Năm 2016 là năm Việt Nam phải hứng chịu thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương, xuất khẩu tăng đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng. Đây là các khu vực tập trung nhiều lao động. Nếu Chính phủ chuyển dịch nền kinh tế, giảm bớt dòng vốn tập trung vào việc đầu cơ tài sản để chuyển qua sản xuất, đầu tư vào ngành nông nghiệp thực phẩm thì ngay cả tăng trưởng kinh tế không cao thì ổn định xã hội vẫn tốt.
Ông nhận định như thế nào về thị trường chứng khoán năm 2017?
TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế ổn định thì chứng khoán sẽ tốt. Thời gian qua một số nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam do vấn đề môi trường và lo ngại các chỉ số bị méo mó và không minh bạch. Chúng ta phải nâng cao tính minh bạch của thị trường, tính nghiêm ngặt của chuẩn kiểm toán để NĐT có thể nhìn nhận, so sánh nghiên cứu đầu tư.
Ngoài ra, nâng hạng thị trường là yếu tố quan trọng nhất để thu hút vốn ngoại trong năm 2017. Tuy nhiên để thỏa mãn đủ điều kiện nâng hạng thì mọi người cần ý chí của tất cả hệ thống chính trị này và phải lấy các tiêu chí của việc nâng hạng thị trường là mục tiêu cụ thể để phấn đấu: Một là tự do chuyển đổi dòng tiền, nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản và vốn hóa thị trường tối thiểu.
Khi mình xác định các tiêu chí như vậy thì chúng ta phải coi việc được vào thị trường mới nổi là hệ quả, chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu là đạt được các tiêu chí vào thị trường mới nổi. Chỉ có thế việc nâng hạng mới không phải là một việc viển vông.
Xin cảm ơn ông.
Theo NDH