“Đi tìm niềm đam mê” – đó không phải một dạng hành động bị động – Dave Isay, người chiến thắng TED Prize 2015 chia sẻ. “Những người đã tìm được đam mê, trước đó họ đã phải đưa ra những quyết định khó khăn và cả những sự hy sinh để làm công việc “định mệnh” sinh ra để dành cho họ”. Nói cách khác, không phải chỉ đi “tìm” đam mê mà phải đấu tranh cho nó, và tất nhiên điều đó rất đáng để cố gắng. “Những người tìm thấy niềm đam mê có một ngọn lửa thôi thúc từ bên trong họ. Họ chỉ muốn thức dậy thật nhanh vào mỗi buổi sáng và được làm công việc yêu thích của mình”.
Dưới đây là 7 điều quan trọng trong cuộc “đấu tranh” cho niềm đam mê nghề nghiệp:
1. Đam mê nghề nghiệp của bạn là giao của 3 điều trong sơ đồ Venn: Làm việc mà bạn giỏi, cảm thấy được công nhận và tin rằng công việc của bạn sẽ làm cuộc sống mọi người tốt hơn.
Điều này không có nghĩa bạn phải là một bác sĩ phẫu thuật cứu sống mọi người thì mới là đam mê nghề nghiệp. Hãy xem một nhân viên phục vụ nhà hàng luôn nhiệt tình với khách hàng và khiến họ thoải mái, điều đó cũng có ý nghĩa chẳng khác gì việc làm của bác sĩ phẫu thuật đâu. “Bạn phải bỏ ngoài tai những điều bạn bè nói bạn làm, những điều bố mẹ muốn và những gì ngoài xã hội đang bảo bạn làm theo và hãy khám phá nơi yên tĩnh sâu trong con người bạn”
2. Thường thì đam mê xuất phát từ những trải nghiệm khó khăn trong đời
Điều ẩn giấu trong nơi yên tĩnh ấy sẽ là một trải nghiệm xác định – có thể là một trải nghiệm khá là đau đớn. Isay nói về cuộc phỏng vấn về Đam mê nghề nghiệp với giáo viên 24 tuổi Ayodeji Ogunniyi “Anh ấy đang học trường y để trở thành bác sĩ khi cha anh ấy bị giết hại. Và lúc đó anh ấy nhận ra rằng điều mà anh ấy muốn là trở thành một giáo viên. Mỗi lần bước vào lớp học, anh ấy có cảm giác như người cha của mình đang theo sát vậy”. Đây sẽ là thứ biến những trải nghiệm khó khăn thành một con đường mới trong sự nghiệp của bạn.
3. Đam mê thường đòi hỏi sự can đảm và dám thực hiện những điều không vừa ý người khác
Cũng trong bài TED Talk nói về Đam mê nghề nghiệp, Isay đã nhấn mạnh quan điểm này bằng việc kể về Wendell Scott, người đã trở thành tay đua NASCAR Mỹ gốc Phi đầu tiên vào năm 1952, và tiếp tục lái xe bất chấp đe dọa đối với cuộc sống của mình; về nhà khoa học Dorothy Warburton, người muốn xoá bỏ sự phân biệt giới tính cực đoan bằng cách tiến hành nghiên cứu để phá vỡ sự kỳ thị về việc sẩy thai. “Đam mê nghề nghiệp”, Isay nói, “thường bắt đầu với việc giữ vững lập trường chống lại những quan điểm cho rằng việc đó là không chấp nhận được, sau đó làm việc không ngừng để thay đổi nó. Niềm đam mê nghề nghiệp được thắp sang bằng hy vọng, tình yêu và thách thức, và được vun đắp từ mục đích và sự kiên trì”.
4. Những người khác thường đưa bạn đến gần niềm đam mê của chính mình
Đi tìm đam mê của bản thân tưởng chừng như là việc cá nhân nhưng nó cũng lien quan đến người khác. Trong cuộc đời chúng ta thường gặp được người khác như nhân duyên mà không hề hay biết, và rất có thể người nào đó đã đánh thức đam mê của chính bản thân.
5. Những điều xảy ra sau khi đã xác định được đam mê mới thực sự quan trọng
Cách nói “tìm đam mê” khiến Đam mê có vẻ như một hũ vàng, là điểm cuối cầu vồng, bạn tìm thấy nó thì câu chuyện sẽ kết thúc. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng Đam mê là một quá trình liên tục. “Hiểu được đam mê khác rất xa với việc thực sự thực hiện chúng bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Đó có thể là phải quay trở lại trường để học hoặc là quyết định đi học nghề, hoặc cũng có thể là yêu cầu khởi nghiệp”.
6. Đam mê không phân biệt tuổi tác
Isay tìm được đam mê lúc 21 tuổi khi thực hiện một cuộc phỏng vấn. “Khoảnh khắc bật máy ghi âm tôi đã biết rằng trở thành phóng viên là công việc gắn bó với tôi tới cuối cuộc đời”. Isay nói rằng” Tôi rất may mắn đã tìm được đam mê lúc còn trẻ”. Những cuộc phỏng vấn của anh cho thấy rằng tuổi tác không hề quan trọng. Một cậu bé muốn làm trọng tài cho hiệp hội bong rổ Hoa Kỳ (NBA) từ năm 15 tuổi nhưng cũng có người sau khi làm kế toán 30 năm mới khám phá ra đam mê nghệ thuật thái cá hồi hun khói. “Được làm việc mà mình yêu thích là trải nghiệm thoả mãn, đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người”.
7. Đam mê nghề nghiệp thường không đi kèm với nhiều tiền
Một xu hướng chung mà Isay thấy giữa những người tìm được đam mê là họ thường từ bỏ những công việc lương rất cao để làm việc thu nhập mặc dù thấp hơn nhưng mang lại cảm giác thoả mãn nhiều hơn. “Thông điệp gửi đến các bạn trẻ là các bạn muốn làm ít việc nhưng được thu nhập cao thì đó chỉ là điều viển vông mà thôi. Nhưng một công việc có sự chấp nhận rủi ro và sự chăm chỉ không ngừng nghỉ mới là một công việc xứng đáng để sống một cuộc sống trọn vẹn”.
Theo Trí Thức Trẻ