31/12, ngày “giỗ đầu” của Deca sắp đến. Sự ra đi của Deca đã chấm dứt chuỗi “chết dồn dập” của một loạt trang thương mại điện tử Việt Nam vào hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, nó chưa chấm dứt hoàn toàn “đà chết” của doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.
Theo dự đoán của Google và Temasek, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD. Nhưng, đây không phải thị trường “dễ ăn”…
Lại một người nữa ra đi…
Tháng 8/2016, Lingo bị “khai tử”. Lý do được đưa ra là nhà đầu tư Maj Invest không còn rót vốn.
Lingo vốn trực thuộc CTCP Truyền thông VMG. Trong năm 2015, VMG đã bán 6,6 triệu cổ phần tại Lingo và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 25,09%. Lượng cổ phần này được bán cho Maj Invest thông qua công ty con Yellow Star Invesment 3.
Dự kiến đến tháng 6/2016, Maj Invest sẽ rót vốn vào Lingo đợt 2 để mua nốt số cổ phần còn lại của VMG. Tuy nhiên, số tiền này đã không đến như cam kết.
Nhưng câu chuyện ra đi của Lingo không êm ả như người anh em Deca. Đầu tháng 8 khai tử, thì cuối tháng 8, nhân viên Lingo viết tâm thư kể lại câu chuyện Lingo sụp đổ chỉ trong 2 tiếng và chuyện “lật mặt” của nhà đầu tư.
Với sự ra đi của Deca, Lingo, đối trọng của các doanh nghiệp thương mại điện tử ngoại nay chỉ còn 2 cái tên sáng giá: Tiki và A đây rồi.
Thị trường Việt Nam – “Tam quốc diễn nghĩa”?
Năm 2016 chứng kiến cuộc đổ bộ chưa từng có của các ông lớn thương mại điện tử lẫn bán lẻ nước ngoài.
“Tôi không muốn thấy viễn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam do người Hàn, người Thái và người láng giềng chia nhau”, một người trong ngành xót xa.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến cuộc đấu giữa các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc và “người láng giềng” Trung Quốc.
– Trung Quốc: Tháng 4/2016, Alibaba công bố mua lại Lazada toàn cầu với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD.
Theo Lazada, việc bắt tay này Alibaba sẽ mang đến giá trị thiết thực cho người tiêu dùng Việt với sự lựa chọn, dịch vụ, sự thuận tiện và giá trị tốt hơn.
Còn Lazada sẽ tận dụng sự am hiểu thị trường để thúc đẩy bán hàng và dễ dàng đáp ứng đòi càng cao của khách hàng và giúp họ phát triển kinh doanh.
– Thái Lan: Sau thương vụ mua 49% cổ phần CTCP Thương mại Nguyễn Kim vào năm 2015, Central Group tiếp tục các thương vụ M&A với mảng bán lẻ và thương mại điện tử ở Thái Lan và cả Việt Nam.
Tháng 5/2016, Zalora Việt Nam chính thức xác nhận thông tin Zalora Thái Lan đã được bán cho tập đoàn Central Group – đơn vị vừa mua lại Big C Việt Nam. Còn Zalora Việt Nam về tay Nguyễn Kim – đơn vị mà Central Group đang sở hữu 49% cổ phần.
Với các thương vụ M&A trong năm 2016, Central Group đang chứng tỏ sự hiện diện ngày càng mạnh ở thị trường bán lẻ Việt Nam từ offline đến online, từ bán lẻ hàng thời trang, tiêu dùng đến bán lẻ hàng điện máy.
– Hàn Quốc: Tháng 10/2016, Lotte chính thức công bố trang mua sắm online Lotte.vn.
Trang mua sắm online này được quản lý bởi công ty con vừa thành lập là Lotte E-commerce, sẽ cung cấp 100% sản phẩm trong hệ thống của tập đoàn. Bên cạnh mặt hàng thực phẩm, gia dụng của Lotte Mart, những sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ Lotte Department Store được xác định là nhóm hàng mũi nhọn.
Mặc dù tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam muộn hơn các doanh nghiệp Thái Lan và Trung Quốc, Lotte tuyên bố sẽ giành 20% thị phần của thị trường này.
Doanh nghiệp Việt đang làm gì?
Khi những cái tên Việt Nam dần rơi rụng, đối trọng của các doanh nghiệp thương mại điện tử ngoại nay chỉ còn 2 cái tên sáng giá: Tiki và Adayroi.
Tiki hồi đầu năm đã nhận được một khoản đầu tư khủng lên tới 384 tỷ đồng từ CTCP VNG. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tiki mới đây cũng cho thấy khả năng “đốt tiền” của mình.
Tính riêng trong quý 3, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng.
A đây rồi: A đây rồi trực thuộc mảng bán lẻ VinCommerce của Vingroup. 9 tháng đầu năm, mảng này đã lỗ tới gần 2.000 tỷ đồng, mặc dù đem lại khoản doanh thu lên tới 10.770 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm rằng, hồi giữa năm 2016, Vingroup đã bán 17% cổ phần mảng bán lẻ. Danh tính cá nhân mua lại số cổ phần này cũng như giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Vingroup đang tái cơ cấu nhằm kết nối toàn bộ hệ thống VinCommerce. Từng hệ thống thương mại của Vingroup sẽ được kết nối với nhau và bán trên trang thương mại điện tử A đây rồi.
“Sau cuộc tái cơ cấu này, A đây rồi sẽ là một thương hiệu lớn của thương mại điện tử Việt Nam”, đại diện Bộ Công thương cho biết.
Một loạt trang thương mại điện tử mới ra đời: Vuivui.com – trang thương mại điện tử – của Thế giới Di động đang đi vào thử nghiệm. Vuivui.com sẽ theo mô hình Đại siêu thị online, hiện đang thử nghiệm bản beta và hiện chỉ giao hàng tại TPHCM.
Ngoài ra, một loạt “tay ngang” trong giới truyền thông, viễn thông cũng gia nhập thị trường sôi động này như VnExpress bán điện thoại, Viettel lập trang thương mại điện tử bán đặc sản…
Thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều cửa sáng!
Đây là khẳng định của Bộ Công thương trong một cuộc họp mới đây. Đơn hàng điện tử của các doanh nghiệp đang ngày càng nhiều.
Chỉ tính riêng đơn vị lớn nhất là Lazada, đơn hàng trung bình năm 2016 của đơn vị này gấp 6 lần đơn hàng trung bình năm 2014.
Với một doanh nghiệp lớn, trung bình 1 ngày nhận 15.000 – 20.000 đơn hàng, mức tăng 600% là mức tăng rất lớn, cho thấy thị trường đang rất phát triển.
Tiki mới đây cũng cho biết lượng đơn hàng vận chuyển thành công tới tay khách đặt mua đã tăng 3-4 lần trong 1 năm trở lại đây.
Cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại đều đang chuyển mình rất mạnh. Liệu rằng năm 2017 sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường màu mỡ Việt Nam, hay sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt bứt phá?
Theo Trí Thức Trẻ