Lo ngại hàng hóa té nước theo… xăng

Một tuần sau khi xăng dầu tăng giá, giá nhiều loại thực phẩm tại các chợ lẻ ở TPHCM cũng rục rịch lên theo. Nhiều chuyên gia thị trường dự báo, giá cả cuối năm sẽ khó khăn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.


Ảnh minh họa

Lũ lụt miền Trung ảnh hưởng giá rau củ

Tại chợ Bến Thành (Q.1), bà Thu Hoài (55 tuổi, nội trợ) tính toán chi li trước khi quyết định mua bó rau, con cá. Hơn một tháng nay, hầu hết các loại rau xanh đều tăng gần gấp ba giá cũ, đẩy tiền chợ của gia đình bà tăng gần gấp đôi ngày thường. Mới cách đây mấy ngày, giá rau xanh là 5.000 đồng bó nay đã lên 10.000 đồng/bó. Bà Hoài dẫn chứng rau muống tuần trước chỉ 15.000 đồng bó giờ lên 20.000 đồng/bó, xà lách 35.000 đồng lên 45.000 đồng/kg…Các loại cá biển cũng biến động từng ngày. “Để cân bằng bữa ăn, tôi phải bớt khẩu phần thịt, cá và hạn chế một số nhu cầu tiêu dùng khác như quần áo, sắm sửa vật dụng trong nhà…” – bà Hoài cho biết.

Nhiều bà nội trợ còn cho hay, dù giá heo hơi ở chợ đầu mối hay siêu thị đều thông báo giảm nhưng giá thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở chợ lại không giảm. Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), Thị Nghè (Q. Bình Thạnh), thịt ba chỉ có giá từ 90.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg; gà ta mổ sẵn nguyên con (loại 1) giá từ 180.000 – 210.000 đồng/kg… Riêng các mặt hàng điều vị (mặt hàng tươi sống như thịt, cá, giò, chả, thủy sản, hoa quả… ) giá đều tăng từ 15-30%.

“Việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều loại hàng hóa khác; riêng các mặt hàng trong nhóm bình ổn giá để phục vụ Tết cho người dân vẫn ổn định. Chi cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết. Đơn vị sẽ kiểm tra và xử lý mạnh tay nếu phát hiện những trường hợp “hét” giá, nâng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM

Bà Nguyễn Thị Bé kinh doanh trái cây ở chợ Tân Định (Q.1) than thở, ngay sau khi xăng tăng giá, cước vận chuyển hàng hóa lập tức đã biến động theo, phần nào cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

“Hai ngày nay, nhiều loại trái cây tại các nhà vườn ở Bến Tre thông báo tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg, vì cuối năm nhu cầu mua trái cây nhiều trong khi nguồn cung khá hạn chế. Riêng cước vận chuyển cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/thùng vì lý do giá xăng tăng nên giá bán ra cũng tăng theo. Dự kiến từ đây đến Tết Nguyên đán, giá trái cây sẽ tiếp tục cao do nhu cầu thị trường rất lớn. Mua vào giá cao thì mình cũng buộc phải tăng giá bán” – bà Bé nói.

Tương tự, tiểu thương kinh doanh rau củ quả cũng nhấp nhổm không yên. “Nhiều địa phương mất mùa rau củ do mưa lũ kéo dài nên việc buôn bán rất khó khăn. Không có nguồn rau tại chỗ, chúng tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào Đà Lạt, nhưng giá cước vận chuyển cũng tăng nên khó càng thêm khó. Tết này chắc chắn giá rau củ sẽ rất cao nhưng tôi cũng không dám nhập hàng nhiều, sợ bán không “trôi” sẽ lỗ vốn” – tiểu thương chợ Vườn Chuối (Q.3) bày tỏ. Nhiều tiểu thương nhận định, sang tới thời điểm nửa cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng. Còn tăng ở mức độ nào thì phụ thuộc vào mỗi mặt hàng.

Tự đẩy giá hàng

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, thực ra có nhiều mặt hàng không chịu tác động bởi giá xăng dầu nhưng vẫn bị người kinh doanh “thổi” giá. Đơn cử như trưa ngày 27/12, một số điểm bán sữa có hiện tượng nhích giá thêm vài ngàn đồng/hộp. Cụ thể ở tiệm bách hóa thực phẩm đường Lê Văn Quới (Q. Bình Tân), sữa Dutch Lady 123 tăng thêm 2.500đ/hộp, sữa Gain IQ tăng thêm 5.000đ/hộp. Ở tiệm thực phẩm khác gần chợ Hoà Bình (Q.5), sữa Ensure Gold tăng thêm 4.000đ/hộp.

Theo người bán, giá sữa tăng từ đầu mối cung cấp. Bà chủ cửa hàng bách hóa trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình) lý giải: “Giá xăng tăng làm chi phí vận chuyển tăng thì nhích giá vài ngàn đồng/lon là đúng thôi”. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ với nhà kinh doanh và phân phối đều xác nhận rằng, sản phẩm của công ty không hề tăng giá. “Muốn thay đổi giá sữa chỉ khi nào công ty ra mắt sản phẩm mới, hoặc phải đăng ký, được sự đồng ý của Bộ Tài chính thì mới tăng hay giảm giá, chứ không phải muốn tăng là tăng ngay được” – đại diện một thương hiệu sữa tại TPHCM cho biết.

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op thông tin, đến thời điểm này, siêu thị chưa nhận được bất kỳ thông báo điều chỉnh giá nào của đơn vị cung cấp. “Chúng tôi vẫn sẽ đảm bảo giá cả bình ổn dịp trước, trong và sau Tết, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm cuối năm. Saigon Co.op cũng cố gắng để không có bất kỳ biến động giá cả nào xảy ra trong thời điểm nhạy cảm này” – ông Kiên nói.

Ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM chia sẻ: “Cước vận tải hàng hóa do chủ doanh nghiệp quyết định giá cả, thỏa thuận với khách hàng. Hiện nay, cung đã vượt cầu, xe vận chuyển và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nở rộ và giá cả rất cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu lợi dụng giá xăng dầu tăng để tăng giá cước thì nhiều hãng xe sẽ không còn khách. Vì vậy, theo tôi, giá cước vận tải hàng hóa rất khó tăng, nhất là vào lúc này”.

TS Lê Bá Chí Nhân – chuyên gia kinh tế nhận định: “Cả nước vừa trải qua những khó khăn về thiên tai, lũ lụt, nhiều diện tích nông nghiệp mất trắng khiến sản lượng nông sản cung cấp cho dịp Tết sẽ khan hiếm. Bây giờ thêm xăng dầu tăng giá chắc chắn sẽ có sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, cung ứng, sản xuất… nông sản, hàng hóa. Mức tăng giá xăng trong những ngày qua đã và đang là thách thức, khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp. Không loại trừ giá hàng hóa có thể tăng, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng nhanh trước, trong và sau tết. Và, người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là nông dân, những người trực tiếp sản xuất”.

Theo tien phong