Năm 2000, sau khi lấy bằng cử nhân tại Đại học Harvard, Brown gia nhập tập đoàn Goldman Sachs ở vị trí phân tích tài chính, sau đó cô chuyển sang nhóm quản lý tài sản cá nhân. Đến năm 2006, cô gái trẻ quyết định học tiếp bằng MBA tại đại học Columbia trước khi bắt đầu mở một công ty của riêng mình. Tại đây, cô đăng ký chuyên ngành tài chính kinh doanh.
“Trong một buổi vũ hội hồi trung học, chúng tôi mặc những bộ đầm rất đẹp và đi giầy cao gót để chụp những bức hình ý nghĩa cùng gia đình. Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra. Đôi giầy cao gót của tôi đi cực kì đau chân và nặng nề đến mức nó bị lún xuống sân cỏ. Kết quả là chân tôi bị sưng tấy lên và tôi phải ném đôi giầy đi, hôm đó tôi chẳng có bức ảnh nào đẹp cả. Đó là một kỉ niệm đau thương đối với tôi. Ngay lập tức ý tưởng về thành lập công ty sản xuất miếng đệm giầy cao gót cho phụ nữ đã ra đời” – Becca Brown chia sẻ về ý tưởng kinh doanh của mình.
Brown đã chia sẻ ý tưởng này với Monica Ferguson, bạn học và cũng là đồng nghiệp của cô ở Goldman Sachs. Ngay sau đó, hai cô gái trẻ đã quyết định bỏ việc ở Goldman Sachs để thành lập Solemates (tên của công ty sản xuất miếng lót giầy cao gót).
“Chúng tôi đều yêu thích công việc tại Goldman Sachs và biết ơn những gì họ đã dạy cho mình. Nhưng chúng tôi biết rằng, nếu không thực hiện ý tưởng kia để giúp hàng triệu phụ nữ trên thế giới, chúng tôi sẽ phải hối hận cả đời’ – Becca Brown cho biết.
Tuy nhiên, khi hai cô gái thông báo quyết định nghỉ việc tại Goldman Sachs với gia đình và bạn bè, một số người cho rằng họ thật “điên rồ”. Vì thế, họ đã nỗ lực để chứng minh nhận định này là một sai lầm.
Thật may mắn, Solemates đã phát triển đúng hướng của nó. Đến nay công ty đã hợp tác với khoảng 3.000 cửa hàng giầy gồm các thương hiệu Nordstrom, DSW và David’s Bridal trên toàn thế giới; cũng như tại các website thương mại điện tử như Amazon và Zappo.
Công ty đã bán ra hàng trăm nghìn miếng đệm mềm đính vào giày cao gót để bảo vệ đôi chân cho phụ nữ. Khách hàng của họ có nhiều người nổi tiếng như Oprah, Robin Wright-Penn, Viola Davis, Natalie Morales hay Carrie Underwood.
Khi được hỏi vì sao lại quyết định bỏ công việc lương cao hấp dẫn ở phố Wall để đi bán miếng đệm giầy cao gót, Brown nói rằng: “Nó cũng giống như việc bạn nhảy ra khỏi máy bay. Dù không chắc chắc nó có thành công hay không, nhưng đó là đam mê”.
“Theo đuổi đam mê nhưng đừng mù quáng, phải biết dùng cái đầu. Xây dựng một doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng, bạn phải làm việc chăm chỉ gấp đôi, thậm chí gấp ba khi bạn đi làm thuê. Quan trọng hơn cả, bạn phải có ý tưởng, đặt mọi thứ vào cùng một hướng và đảm bảo rằng bạn luôn sẵn sàng” – cô gái trẻ chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, Brown cũng cho rằng, điều quan trọng đối với những người trẻ khởi nghiệp là phải luôn đề nghị sự giúp đỡ, hướng dẫn và lời khuyên từ những người khác. Hãy tập hợp càng nhiều lời khuyên của những người xung quanh càng tốt, kể cả những người đang phản đối bạn. Có như vậy, bạn mới có được cái nhìn đa chiều về doanh nghiệp của mình và lường trước rủi ro có thể gặp phải.
Một yếu tố quyết định thành công là đừng bao giờ đưa ra quyết định khi bạn chưa chắn chắn 100%. Đôi khi, toàn bộ tiền bạc, sự nghiệp có thể “đội nón ra đi” chỉ vì một quyết định ở phút 99.
“Đừng chôn vùi mình trong quá khứ hay lo lắng về tương lai, hãy tập trung vào hiện tại và làm những gì bạn cho là tốt nhất. Một quyết định đúng đắn sẽ dẫn theo nhiều quyết định đúng khác và tạo nên thay đổi cho cuộc đời, sự nghiệp của bạn. Và đương nhiên, một quyết định sai lầm cũng có thể lấy đi của bạn tất cả” – Brown kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ