Đây là giãi bày của ông Ruy Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tại buổi họp báo bên lề Diễn đàn doanh nghiệp ( VBF ) thường niên 2016 mà ông cũng là đồng Chủ tịch.
Một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại VBF 2016 là làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI , hướng tới sự phát triển hài hoà và bền vững cho kinh tế Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Ruy Hang Ha cũng như ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VBF, doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng đối với Việt Nam. Như đánh giá của đại học Fulbright, Việt Nam đang có 4 động cơ tăng trưởng, nhưng chỉ có mình FDI còn khoẻ, có khả năng thúc đẩy kinh tế.
Dù vậy, những kỳ vọng về FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt được, chưa tận dụng được hết những lợi ích từ FDI. Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam vẫn mờ nhạt, chưa thấy được hiệu ứng lan toả và năng suất lao động như mong muốn.
“Doanh nghiệp FDI rất mong muốn được kết nối, tại sự lan toả với doanh nghiệp trong nước bởi như vậy mới cắm rễ và phát triển bền vững ở Việt Nam”, ông Ryu Hang Ha bày tỏ. Tuy nhiên, giữa việc muốn và việc thực hiện được, còn rất nhiều khó khăn, ví dụ như việc chuyển giao công nghệ.
Dù bày tỏ quan điểm khi cho rằng chuyện chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng nhưng ông Ruy Hang Ha lại nhấn mạnh việc có chuyển giao được hay không phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.
“Chúng tôi sẵn sàng nhưng các bạn có năng lực yếu kém thì chúng tôi cũng không thể chuyển giao được”, ông nói.
Theo ông, đối với những doanh nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Hải Phòng thì nhân sự vốn không phải là vấn đề, tuy nhiên, nếu đi về những khu vực xa hơn, thì nhân lực có tay nghề rất hạn chế.
“Có những kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học được chúng tôi đào tạo ở các tỉnh nhưng chỉ 2 – 3 năm sau, các bạn ấy nghỉ làm và đi đến những thành phố lớn”, ông cho biết.
Kết luận này được ông rút ra không chỉ qua phản ánh của các doanh nghiệp, mà còn qua trải nghiệm bản thân trong 5 năm đầu tư ở Quảng Ngãi. Cụ thể, ở doanh nghiệp của ông, hàng năm cứ đào tạo được 100 kỹ sư, nhưng chỉ 2 – 3 năm sau, họ đều tìm cách rời khỏi địa phương để đến các thành phố lớn làm việc. Chính bởi vì thế, “việc chuyển giao công nghệ rất hạn chế”.
Đối với vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần phải tăng cường sự kết nối giữa Chính phủ – doanh nghiệp FDI – doanh nghiệp địa phương. Mà sự kết nối này, được ví von như “thế kiềng ba chân” và có “sự phối hợp nhịp nhàng như một vũ điệu”. Trong vũ điệu đó, Chính phủ là người hỗ trợ, yểm trợ doanh nghiệp như cung cấp những chế tài để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khối FDI đóng vai trò trung tâm và các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đóng vai trò vệ tinh.
“Yếu tố then chốt chính là chất lượng nguồn nhân lực. Về dài hạn, cải cách hệ thống giáo dục Việt Nam là vô cùng quan trọng, làm sao tạo được hệ thống nguồn nhân lực chất lượng cao, ít lý thuyết, nhiều thực tiễn. Các doanh nghiệp không chỉ là đầu ra của giáo dục mà còn là đầu vào, trường và xưởng phải gắn bó với nhau, để tạo ra một thế hệ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ