Đã đến lúc dựng hàng rào tỷ giá

Tỷ giá tuần qua đã tăng cao nhất trong hơn 5 tháng gần đây. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới khiến dòng tiền đầu tư quốc tế có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.


Ảnh minh họa
Những diễn biến này sẽ tác động kép lên sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nếu Việt Nam không có những điều chỉnh phù hợp. Việc tạo “hàng rào tỷ giá” vào thời điểm này rất quan trọng.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá cao, xuất nhập khẩu chiếm tới 150% GDP. Việt Nam cũng ký nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan đang giảm dần về 0%. Tuy nhiên, tỷ giá chưa được quan tâm đúng mức dù nó quan trọng và có thể nói tỷ giá chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động trong mỗi năm.

Cụ thể, trong giai đoạn 2006 – 2012, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng gấp đôi, nhưng tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ chỉ tăng 30%, làm cho các loại hàng nhập khẩu vào Việt Nam rẻ đi, các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất lại đắt lên và hàng hóa xuất khẩu của nước ta khó cạnh tranh hơn.

Chính phủ Việt Nam có quyền quyết định hạ giá tiền đồng Việt Nam nhưng đây là việc làm khó khăn. Việc giảm giá đồng Việt Nam sẽ làm tiền chi cho trả nợ nước ngoài tăng lên (năm 2015 đã là hơn 3 tỷ USD, năm nay có thể lên đến trên 4 tỷ USD). Chẳng hạn, nếu tiền đồng Việt Nam giảm giá 10% thì tiền trả nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10%, gây áp lực cho ngân sách.

Mặt khác, Việt Nam nhiều năm nay đã mắc “căn bệnh Hà Lan” do nguồn cung đô la rất cao. Kiều hối về nước ngày càng tăng, năm 2015 là hơn 12 tỷ USD, năm nay dự báo còn cao hơn. Cạnh đó, khu vực FDI cũng đưa về thặng dư hơn 10 tỷ USD. Cung đô la lớn sẽ thêm áp lực làm đồng Việt Nam tăng giá.

Dù vậy, thời điểm này, cũng cần cân nhắc nên hạ giá đồng tiền. Thử nhìn lại tình trạng tỷ giá tăng cao từng xảy ra ở nước ta vào năm 1998, khi khủng hoảng tiền tệ châu Á nổ ra. Đồng tiền của các nước Thái Lan, Malaysia, Phillipines… đều bị mất giá mạnh. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ trương không hạ giá đồng Việt Nam do quan ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Chính phủ khi đó đã yêu cầu Ban Nghiên cứu của Thủ tướng lượng tính lợi hại nếu hạ giá đồng Việt Nam. Một hại và ba lợi là lời giải được các thành viên Ban Nghiên cứu đưa ra.

Hại nhìn thấy ngay là áp lực trả nợ. Ba cái lợi dù không thấy ngay nhưng việc hạ giá đồng Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc dựng lên một “hàng rào tỷ giá”: hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh, bảo vệ được sản xuất trong nước và khuyến khích được xuất khẩu. Thủ tướng khi đó đã quyết định phá giá 20% đồng Việt Nam trong hai năm 1998 – 1999 và đến năm 2000, Việt Nam cân bằng được xuất nhập khẩu, tỷ giá cũng được ổn định một thời gian dài.

Hiện nay, kinh tế Mỹ hồi phục tương đối tốt nhưng chưa đủ chắc chắn. FED buộc phải tăng lãi suất, bởi bong bóng kinh tế ở Mỹ đang gia tăng do lãi suất quá thấp. Thêm vào đó, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống có thể hoạch định chính sách theo xu hướng khôi phục sức mạnh kinh tế trong nước. Tính đến thời điểm này, khả năng FED tăng lãi suất gần như chắc chắn, bởi chỉ tăng lãi suất mới có thể kéo USD bên ngoài trở lại nước Mỹ và chỉ khi đó mới tạo ra sự phát triển cho nước Mỹ.

Diễn biến này sẽ tác động đến Việt Nam. Có thể đồng đô la Mỹ chạy khỏi Việt Nam không nhiều bởi đầu tư trực tiếp không dễ tháo chạy, còn dòng đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán cũng không nhiều.

Tuy nhiên, nếu không hạ giá tiền đồng, Việt Nam sẽ nhận phần thua thiệt, bởi gần như đang có một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các quốc gia. Lý do là cầu của thế giới giảm, các nước muốn giữ thị phần hàng hóa trên thị trường thế giới nên buộc phải hạ giá đồng tiền. Tỷ giá của đồng Việt Nam phải được tính trên sự tăng giá của đồng USD và sự hạ giá của các đồng bạc trong khu vực.

PGS-TS. Võ Đại Lược – Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương

Theo DNSG