Tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) toàn thị trường là một chỉ báo hiệu quả và được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Trong lịch sử, mỗi khi chỉ báo này ở mức cao sẽ là dấu hiệu cảnh báo cho một đợt điều chỉnh có thể xảy ra.
Từ khi VN-Index liên tục chinh phục các đỉnh quá khứ, thanh khoản của thị trường tăng vọt, mỗi phiên có khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng được giao dịch qua sàn, một nguồn tiền không nhỏ từ việc vay ký quỹ đã góp phần vào nhịp tăng điểm cũng như quá trình miệt mài vượt đỉnh của VN-Index vừa qua.
Margin tiếp tục tăng
VN-Index có một nhịp tăng dài từ đầu năm đến nay, kéo theo thanh khoản tăng dần đều. Quá trình tăng điểm của VN-Index chịu sự tác động khá lớn của các mã bluechips như VNM, FPT, VIC, HPG, BVH, VCB… Dòng tiền đổ vào các mã này từ các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài khá lớn, trong đó có phần không nhỏ là tiền margin.
Tính đến quý II/2016, tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường đạt 25.241,08 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với hồi đầu năm, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Theo giới phân tích, có thể margin toàn thị trường ở thời điểm hiện tại đang quanh mức 30.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (HSX: SSI) dẫn đầu margin với nợ vay ký quỹ đạt 4.073,29 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) với 3.025,36 tỷ đồng. Vị trí thứ 3 là Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đạt 1.881,90 tỷ đồng. Ba công ty này chiếm phần lớn nguồn cung margin cho toàn thị trường.
Hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán cũng đã trở nên thuận tiện, dễ dàng và quan trọng hơn là vẫn nằm trong tầm kiểm soát vì các công ty chứng khoán đã chủ động trong việc huy động nguồn và kiểm soát việc cho vay ký quỹ cũng như quản trị rủi ro.
Có một thực tế là những nhà đầu cơ ngắn hạn là những người hay dùng margin nhiều nhất. Khi thị trường tăng điểm thì trạng thái của những nhà đầu cơ luôn là “full margin”, hay nói cách khác là sử dụng tối đa tỷ lệ vay ký quỹ. Nếu thị trường đồng thuận và cổ phiếu tăng thì nhà đầu cơ nhanh chóng kiếm lợi nhuận nhờ dùng đòn bẩy tài chính này.
Tuy nhiên, nếu thị trường điều chỉnh và cổ phiếu giảm nhẹ một vài bước giá thì có thể nhà đầu cơ sẽ gặp phải tình trạng “margin call”, lúc này phải nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán bớt cổ phiếu để duy trì tỷ lệ an toàn tài khoản, nếu không sẽ bị bán giải chấp và có khả năng “cháy” tài khoản. Và việc bán giải chấp này nếu diễn ra đồng loạt ở các công ty chứng khoán sẽ đẩy thị trường giảm sâu.
Sử dụng margin hiệu quả
Việc sử dụng margin thường phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và phong cách đầu tư của từng nhà đầu tư. Vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro nên được đặt lên hàng đầu trong quá trình giao dịch mua bán cổ phiếu.
Bên cạnh đó, nên có chiến lược và kỹ thuật mua bán cụ thể để hạn chế tối đa rủi ro cho mỗi giao dịch nhằm đem lại hiệu quả đầu tư trong một thị trường biến động khốc liệt.
Bức tranh VN-Index liên tục vượt đỉnh với thanh khoản cao và sôi động như hiện nay, tâm lý chung thị trường ổn định là chiếc van để mở khóa cho dòng tiền margin chảy vào thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường tăng quá nóng và cổ phiếu không còn “rẻ” để mua thì dòng tiền margin sẽ trở thành áp lực gây giảm điểm và có thể là rủi ro mang tính hiệu ứng lan rộng mà nhà đầu tư phải đối mặt.
Theo DNSG