TP.HCM sẽ triển khai mô hình trường học mới VNEN ở bậc THCS

Trong khi một số địa phương đang ngừng nhân rộng, có nơi đề xuất tạm ngưng mô hình trường học mới (VNEN) thì sắp tới, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình này ở cả bậc THCS.

Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa IX.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Hải nêu vấn đề, đến nay đã có 3 địa phương là Hà Giang, Hà Tĩnh và thành phố Vũng Tàu có nơi thì ngừng nhân rộng, có nơi đề xuất tạm ngưng thực hiện mô hình trường học mới (VNEN). TPHCM đã áp dụng mô hình này một thời gian, vậy chúng ta đã có tổng kết, đánh giá về hiệu quả của mô hình VNEN. Trước “cảnh báo” từ các địa phương, TPHCM có động thái nào không?


Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho biết TPHCM sẽ triển khai, nhân rộng mô hình trường học VNEN ở cả bậc THCS

Ông Lê Hồng Sơn giải đáp, khi triển khai mô hình VNEN, TPHCM cũng gặp những vấn đề khó khăn nhất định đối với giáo viên, với công tác quản lý trong nhà trường và kể cả cơ sở vật chất, sĩ số học sinh.

Nhưng sau 4 năm thực hiện, Sở đánh giá bước phát triển về số lượng lẫn chất lượng về mô hình VNEN ở TPHCM đạt hiểu quả tốt. Hiệu quả có thể thấy là lớp học nhẹ nhàng, thân thiện hơn, giữ giáo viên và học sinh có sự tương tác nhiều hơn; học sinh không còn tiếp thu bài giảng một cách thụ động mà trở nên chủ động tích cực… đó cũng là điều mà giáo dục đang hướng tới.

“Đến nay TPHCM đã nhân rộng mô hình VNEN ở 63 trường tiểu học. Trong đó ở khối lớp 2 có 189 lớp, khối 3 có 202 lớp, khối 4 có 84 lớp và 24 lớp ở khối 5. Không chỉ áp dụng mô hình này ở bậc tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục nhân rộng, triển khai ở bậc THCS. Tuy nhiên, việc thực hiện thế nào còn chờ chỉ đạo và hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT”, ông Lê Hồng Sơn cho biết.

Được biết, năm học 2015-2016 cả nước có 4.147 trường học triển khai VNEN, trong khi năm học 2014 – 2015 chỉ mới có 1.471 trường áp dụng.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mô hình trường học mới đạt được những kết quả tích cực như về đổi mới phương pháp dạy học (giáo viên biết cách hướng dẫn học sinh hoạt động, học sinh yếu được quan tâm, học sinh chủ động trong các hoạt động học tập); đổi mới về tổ chức lớp học (thông qua hội đồng tự quản học sinh chủ động, tương tác và biết hỗ trợ giúp đỡ nhau); kết quả đổi mới trong hoạt động quản lý nhà trường; sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng trong quá trình giáo dục.

Theo Dân trí