UBND TP giao Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với UBND các quận, huyện, các phòng GDĐT, các đơn vị, trường học chỉ đạo bộ phận giáo vụ, giáo viên chủ nhiệm lớp rà soát lại danh sách học sinh đầu năm, cuối năm học, phân loại học sinh chuyển trường, tai nạn, bệnh tật, bỏ học…
Xác định rõ nguyên nhân và địa chỉ của từng HS và chỉ đạo các trường tiếp nhận các em đã bỏ học có nguyện vọng đi học lại; tổ chức kiểm tra, phân loại học lực của HS theo từng môn học và phân công giáo viên kèm cặp, giúp đỡ ngay từ đầu năm; có giải pháp giáo dục đặc biệt để cảm hóa, giáo dục các HS hư, cá biệt đang học trong trường.
Đối với những em đã lớn tuổi, cần vận động ra lớp học phổ cập, lớp học tình thương, học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên; giới thiệu việc làm đảm bảo cuộc sống hạn chế đến mức thấp nhất số lang thang, lêu lổng, vi phạm pháp luật.
Đối với những em không có nguyện vọng hoặc khả năng tiếp tục theo học phổ thông cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng vừa học vừa làm; hỗ trợ ưu tiên trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đối với HS bỏ học có nguyện vọng học nghề.
Lãnh đạo các đơn vị, trường học và các giáo viên chủ nhiệm trực tiếp tiếp xúc với cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng HS xác định nguyên nhân bỏ học, nguyện vọng của HS, phụ huynh để từ đó đề xuất biện pháp giải quyết.
Đối với những HS có nguy cơ bỏ học do học lực yếu: Sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GDĐT, các trường THPT dựa trên cơ sở kết quả xếp loại học lực và quá trình học tập để phân tích, lập danh sách những HS học lực loại yếu và loại kém, xác định mức độ và nguyên nhân yếu kém từng môn học.
Từ đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch phụ đạo giúp đỡ HS học lực yếu, kém vươn lên trong học tập. Phải tổ chức phụ đạo chu đáo, có hiệu quả và kiểm tra, cho điểm, đánh giá, theo dõi kết quả học tập phụ đạo riêng cho HS.
Cuối mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức bàn giao kết quả phụ đạo những HS này cho giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên dạy chính khoá lớp đó để tạo điều kiện nắm sát trình độ, năng lực học tập của HS.
Giáo viên phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, bảo đảm tốt hơn yêu cầu sát đối tượng HS, có biện pháp giúp đỡ HS xếp loại học lực yếu, kém, đồng thời áp dụng các giải pháp cho HS khuyết tật học hòa nhập.
Theo Giáo dục và Thời đại