Nguyên nhân vì sao học sinh ghi nhớ kiến thức chưa tốt

Cô Đặng Thị Thanh Thủy – giáo viên Trường THCS Hòa Phong (Hưng Yên) – đã có những lý giải rất cụ thể việc học sinh ghi nhớ kiến thức bài học nói chung và kiến thức Sinh học lớp 9 nói riêng chưa tốt. Việc nhận rõ nguyên nhân sẽ giúp học sinh cũng như giáo viên khắc phục hạn chế này, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.


Ảnh minh họa

Nguyên nhân học sinh kém ghi nhớ kiến thức đã học

Với những kiến thức đã học, khả năng ghi nhớ của nhiều học sinh chưa tốt do những nguyên nhân:

Thứ nhất: Học sinh chưa có thói quen ghi chú, hệ thống những kiến thức chính của mỗi bài, mỗi chương đã học.

Nhiều học sinh hiện nay đang duy trì cách học rập khuôn theo những gì được thầy cô cho ghi lại trong sách vở. Trong mỗi bài, trên lớp các em ghi chép kiến thức như thế nào thì về nhà các em sẽ học theo đúng trình tự đó. Cách học này làm mất nhiều thời gian trong khi kiến thức không được hệ thống lại một cách đầy đủ, chỉ một bên bán cầu đại não được sử dụng nên hiệu quả ghi nhớ không cao. Thay vào đó, học sinh nên tập ghi chú bằng cả não bộ, hệ thống kiến thức theo hình thức sử dụng bản đồ tư duy, bản đồ khái niệm,… thì hiệu quả ghi nhớ sẽ cao hơn và khái quát hơn.

Thứ hai: Hoạt động củng cố, ôn tập và vận dụng kiến thức chưa thường xuyên.

Não bộ của con người có khuynh hướng quên đi nhanh chóng phần lớn những gì học được chỉ trong thời gian ngắn nếu không được ôn tập, củng cố lại. Điều này lí giải vì sao học sinh thường nhanh quên những kiến thức đã học, vì các em không thường xuyên ôn tập, củng cố. Việc củng cố của các em thường chỉ tiến hành một lần sau mỗi bài học và việc củng cố sau mỗi bài lại chưa kĩ nên chắc chắn hiệu quả ghi nhớ không thể cao được.

Mặt khác, với nhiều môn trong đó có Sinh học, hiệu quả ghi nhớ có thể được tăng cường thông qua hoạt động vận dụng kiến thức đã học. Học sinh có thể vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống để giải thích, giải quyết một vấn đề nào đó; vận dụng kiến thức để giải một bài tập,…

Thông qua những hoạt động này, kiến thức được tái hiện và khắc sâu, ấn tượng về kiến thức sẽ rõ hơn và học sinh có thể ghi nhớ lâu hơn. Trong thực tế học tập, hoạt động vận dụng kiến thức chưa được nhiều học sinh quan tâm một cách tự giác, chỉ khi giáo viên giao nhiệm vụ, giao bài tập thì học sinh mới thực hiện.

Thứ ba: Do thói quen học vẹt. Nhiều học sinh thường có thói quen học vẹt tức là cố học thuộc lòng theo những nội dung đã được học nhưng lại không hiểu gì về các nội dung đó. Chính điều này dẫn đến kiến thức không thể lưu giữ được lâu trong trí nhớ và hiệu quả vận dụng kiến thức rất thấp.

Nguyên nhân kém ghi nhớ kiến thức trong quá trình học bài mới

Trong quá trình học bài mới, khả năng ghi nhớ kiến thức của nhiều học sinh chưa tốt do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Học sinh chưa tạo thành thói quen đọc bài mới trước khi đến lớp.

Học bài cũ là công việc thường xuyên đối với học sinh, song nhiều em lại không có thói quen đọc bài mới trước khi đến lớp. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì ngày nay những phương tiện như điện thoại di động, máy tính kết nối internet, tivi,… là những thứ gắn bó hơn cả với học sinh, học sinh dần mất đi thói quen đọc sách, nhất là sách giáo khoa.

Có những quyển sách được các em “giữ mới”, trong cả năm học chưa được “chủ nhân” chạm đến. Đây quả là điều vô cùng đáng tiếc vì sách chứa đựng biết bao tri thức của nhân loại, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì sách vẫn giữ vững được những giá trị của riêng mình. Và đọc sách là học sinh đã một lần tiếp cận với tri thức, không đọc sách là học sinh đã bỏ qua một lần ghi nhớ, đánh mất một lần đặt ra những câu hỏi thú vị thôi thúc bản thân tích cực tìm hiểu.

Thứ hai: Kĩ năng đọc của học sinh chưa tốt, lúng túng trong việc xác định trọng tâm của bài.

Nhiều học sinh chưa rèn luyện được cho mình kĩ năng đọc, điều này dẫn đến mất nhiều thời gian mà hiệu quả lại không cao. Các em thường đọc từng từ, mắt không bao quát trên diện rộng, chưa biết liên hệ với câu hỏi của giáo viên để xác định từ khóa trong câu hỏi hoặc chưa biết cách xác định trọng tâm của một nội dung, một mục nào đó thông qua những từ khóa của từng mục nên việc chắt lọc và nắm bắt những thông tin chính rất khó khăn.

Một điều nữa là các em có thói quen đọc phần tóm tắt ở phút chót, sau khi đã đọc xong tất cả những nội dung phía trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên đọc phần tóm tắt cuối bài trước vì như vậy học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan về các ý chính và các đơn vị kiến thức của bài, nhờ đó khi đọc vào nội dung chi tiết thì hiệu quả thu được sẽ tốt hơn.

Thứ ba: Học sinh chưa tập trung trong quá trình hoạt động trên lớp. Không thể làm việc hiệu quả nếu đánh mất sự tập trung. Trong quá trình học bài mới, nếu học sinh thiếu sự tập trung thì chắc chắn hiệu quả ghi nhớ sẽ rất thấp, thậm chí học sinh không thể nhớ được bất cứ nội dung nào.

Nguyên nhân từ phía giáo viên

Trong những năm gần đây, thực hiện theo quan điểm chỉ đạo đã được nêu trong nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên dạy môn Sinh học nói riêng đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học vẫn còn một số hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất: Một bộ phận giáo viên vẫn còn sử dụng lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Học sinh ngồi học chủ yếu tập trung vào việc nghe và ghi chép, bị động học theo những nội dung mà giáo viên truyền tải, không có sự tư duy hay trải nghiệm nên kiến thức thu nhận được ít và nhanh chóng bị lãng quên.

Thứ hai: Hình thức tổ chức hoạt động học tập trong nhiều giờ học trên lớp còn nghèo nàn, ít gây được hứng thú học tập cho học sinh do đó làm giảm đi sự chú ý của các em đối với bài học.

Thứ ba: Việc sử dụng các phương tiện dạy học còn hạn chế. Các phương tiện dạy học như tranh ảnh, sơ đồ, mô hình,… có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình ghi nhớ vì chúng tác động đến loại trí nhớ bằng mắt. Theo các nhà tâm lí học thì trí nhớ bằng mắt chiếm 80% trí nhớ của con người và nếu so sánh trí nhớ của chúng ta như một cái phễu thì hình ảnh là thứ rất khó lọt ra khỏi cái phễu này.

Thực tế, trong các phương tiện dạy học hiện nay thì hệ thống tranh vẽ, hình ảnh chiếm một lượng lớn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên còn chưa thật tích cực sử dụng chúng như một kênh khai thác và giúp học sinh khắc sâu kiến thức, ngay cả hệ thống kênh hình trong sách giáo khoa đôi khi còn bị “bỏ quên” hoặc sử dụng hời hợt. Đây là một thiếu sót đồng thời cũng là sự lãng phí cơ hội giúp cho học sinh hiểu và ghi nhớ nội dung bài học tốt hơn.

Thứ tư: Giáo viên chưa làm tốt công tác hướng dẫn học sinh tự làm việc với sách giáo khoa. Kĩ năng làm việc với sách giáo khoa của nhiều học sinh hiện nay chưa tốt, điều này được thể hiện ở:

Tốc độ đọc sách còn chậm do học sinh thường có thói quen đọc từng chữ một.

Chưa biết cách lọc ra những thông tin chính từ sách giáo khoa qua những từ khóa, thay vào đó lại cố gắng ghi nhớ tất cả, càng nhiều càng tốt.

Chưa có thói quen đọc phần tóm tắt trước để nắm được những nội dung hính của bài.

Có điều này là do giáo viên chưa chú ý đến công tác độc lập của học sinh với sách giáo khoa, chưa định hướng cho học sinh thấy rõ vai trò của việc đọc sách hoặc những câu hỏi cho học sinh còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể để các em tập trung nghiên cứu.

Thứ năm: Việc gây ấn tượng chưa hiệu quả: Ấn tượng để lại dấu vết rất lâu trên vỏ não. Nếu tận dụng được quy luật ấn tượng thì học sinh sẽ có thể ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn. Tuy nhiên, việc tạo ấn tượng trong các giờ học chưa được nhiều giáo viên quan tâm, làm “lãng phí” cơ hội ghi nhớ của học sinh.

Thứ sáu: Công tác ôn tập, củng cố kiến thức chưa hiệu quả. Thông tin được nạp vào bộ nhớ của con người và sẽ mất dần theo thời gian với một tốc độ rất nhanh. Ôn lại thông tin để củng cố trí nhớ là việc làm hết sức cần thiết để phòng tránh sự lãng quên, biến trí nhớ ngắn hạn, tạm thời thành trí nhớ dài hạn.

Đa số giáo viên vẫn thực hiện công việc này trong mỗi bài dạy, thể hiện qua khâu kiểm tra bài cũ hay củng cố kiến thức vào thời điểm cuối mỗi tiết dạy hay củng cố từng phần. Tuy nhiên, đôi lúc những việc làm này mang tính hình thức, các câu hỏi được sử dụng để kiểm tra không liên quan đến những nội dung trọng tâm của bài hoặc thời lượng của tiết dạy không đủ để củng cố hoặc kiểm tra hết những nội dung đã học.

Cô Đặng Thị Thanh Thủy – giáo viên Trường THCS Hòa Phong (Hưng Yên)

Theo Giáo dục và Thời đại