Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong dịp khai giảng của năm học này, sẽ có 1.919 phòng học mới được đưa vào sử dụng với ngân sách đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Việc quy hoạch trường lớp phấn đấu đến năm 2020 thành phố đạt tỷ lệ 300 phòng học/10 ngàn dân.
Thành phố chi 82 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho năm học mới. Đồng thời, duy trì việc bình ổn giá mùa khai giảng đối với nhiều mặt hàng như sách vở, đồ dùng học tập, thực phẩm… nhằm giảm áp lực cho phụ huynh khi mua sắm đầu năm học.
Hiện tại TPHCM đang triển khai thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ tại hai địa bàn là Thủ Đức và Bình Tân. Nhận trẻ đến 17h30, kể cả thứ 7. Năm nay, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng đề án nhận giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi và nhân rộng việc giữ trẻ ngoài giờ, đặt biệt là ở địa bàn đông dân cư và công nhân.
Về số lượng học sinh, toàn thành phố tăng 59.000 học sinh. So với năm ngoái, mức tăng này giảm khoảng 25. 000 em. Số học tăng nhiều ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số cơ học như quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh…
Về đội ngũ giáo viên, Sở đang tích cực tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu năm học mới. Tổng số giáo viên cần tuyển mới toàn thành phố là gần 5.000 giáo viên trong đó bậc mầm non cần 1.557, Tiểu học cần 1.544, THCS cần 1.286, THPT và GDTX cần 402 giáo viên.
Ông Lê Hoài Nam cho biết, Sở đã xây dựng đề án các khoản thu đầu năm học để trình UBND TP phê duyệt. Sau khi được UBND chấp thuận, Sở sẽ có hướng dẫn liên sở với Sở tài chính để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.
Sau khi nghe báo cáo từ Sở, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục thành phố trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ cho năm học mới. Đồng thời, bà Thu chỉ đạo Sở phải làm tốt công tác huy động trẻ ra lớp trong tuyển sinh đầu cấp. Không để xảy ra tình trạng trẻ đúng tuyến không được vào trường nhưng diện trái tuyến lại được.
Bà Thu nhấn mạnh, ngay từ bây giờ cần phải tính toán và có lộ trình xây dựng trường giai đoạn sau năm 2020 – 2030 vì khi đó mới đáng lo khi quỹ đất đai hạn chế, còn mức tăng học sinh cũng khó mà dự đoán được. Ngoài ra, ngành giáo dục phải đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên cho năm học mới, không để xảy ra tình trạng có trường có lớp mà không có giáo viên. Trong đó, có sự quan tâm đến giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi… bằng những chính sách, ưu tiên cụ thể để khuyến khích đội ngũ.
Theo Dân Trí