Đến năm 2020, TP.HCM quyết tâm đạt 300 phòng học/10.000 dân

Hôm nay 26/7, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017.


Ảnh minh họa

Báo cáo với Phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Năm học mới 2016-2017 TPHCM tăng thêm khoảng 59.000 học sinh các cấp.

So với năm học trước (tăng 85.000 học sinh), số lượng tăng năm nay có phần ít hơn. Trong đó, các địa phương tăng nhiều nhất là quận Bình Tân: 5.700 em, huyện Bình Chánh: 5.300 em, quận 12: 4.200 em…

Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, từ nay đến 5/9, các quận, huyện sẽ đưa vào sử dụng hơn 1.900 phòng học mới, với tổng vốn đầu tư trên 5.200 tỉ đồng.

Những năm qua, trung bình mỗi năm ngành Giáo dục TPHCM đưa vào sử dụng thêm từ 1.500 đến 2.000 phòng học, nên cơ bản có thể đảm bảo được nhu cầu học tập cho tất cả các em trong độ tuổi.

“Công tác chuẩn bị xây dựng trường lớp thường phải gối đầu 2 năm, tức là, năm nay phải chuẩn bị cho 2 năm sau. Vì vậy hàng năm, ngành Giáo dục TPHCM luôn chủ động được phòng học mặc dù học sinh tăng rất cao.

Do đó, việc đảm bảo chỗ học cho học sinh luôn tốt, chỉ khó khăn về tỉ lệ học 2 buổi/ngày. Để giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT TPHCM vừa đưa vào Nghị quyết trình UBND TPHCM làm sao đến năm 2020 TPHCM đạt 300 phòng học/10.000 dân” – Ông Nam thông tin.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu lưu ý: Với tốc độ tăng dân số cơ học nhanh như hiện nay, Sở GD&ĐT TPHCM cần chủ động chuẩn bị phương án trường lớp đến cả những năm 2025, thậm chí là sau giai đoạn đó nữa vì khi đó quỹ đất đã hạn hẹp, khan hiếm hơn.

Bà cũng đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM phải chấm dứt ngay việc dạy thêm và học thêm trong trường học từ đầu năm học 2016-2017 theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Ngành Giáo dục có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn, làm tốt công tác tư tưởng cả về phía giáo viên và phụ huynh học sinh; có lộ trình từng bước chấm dứt việc dạy thêm học thêm. Đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng ép học sinh học thêm thông qua điểm số.

Vị Phó chủ tịch cũng đề nghị ngành Giáo dục TPHCM cần tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa, có kế hoạch nhân sự cụ thể, tránh trường hợp có trường lớp mới nhưng lại thiếu giáo viên.

“Quan tâm đội ngũ cán bộ giáo viên ở các trường vùng sâu. Phối hợp với các quận huyện quan tâm đời sống, nhu cầu, bố trí chỗ ở cho giáo viên ở vùng sâu vùng xa để giúp cho đội ngũ giáo viên an tâm công tác” – Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chỉ đạo. 

Theo Giáo dục và Thời đại