“Bạo lực ảo” đang làm hại trẻ em
Các chuyên gia của AAP báo động trẻ em Mỹ đang ngày càng “phơi nhiễm” nhiều hơn với “bạo lực ảo” – một khái niệm chung dùng để chỉ các trò chơi bắn giết, phim ảnh bạo lực… trong văn hóa hiện đại.
Lời cảnh báo này không mới nhưng gây sự chú ý trong bối cảnh thế giới chứng kiến quá nhiều hành động bạo lực của những người trẻ tuổi.
Vụ thảm sát trung tâm thương mại tại thành phố Munich (Đức) vừa qua là một ví dụ. Tuy chưa xác định được mối liên hệ nhưng các nhà điều tra mô tả hung thủ 18 tuổi là một thanh niên ám ảnh bởi bạo lực, không giao tiếp xã hội và từng bị bạn bè bắt nạt khi còn nhỏ.
Hành vi xả súng hung thủ “lấy cảm hứng” từ những vụ tương tự xuất hiện dày đặc trên truyền thông, các nạn nhân bị giết cũng là những thanh thiếu niên trẻ như cậu ta.
Những trò chơi bạo lực thực tế ảo sẽ sớm xuất hiện. Trải nghiệm của người dùng sẽ càng chân thật và vì thế các khuyến cáo là rất quan trọng và cần thiết
Cuộc cách mạng bạo lực
Trong báo cáo mang tiêu đề “Cách mạng bạo lực ảo: màn hình di động đã mở cánh cửa đến bạo lực như thế nào” mới công bố, AAP kết luận có một sự đồng thuận mang tính khoa học rằng bạo lực ảo làm gia tăng những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi hung hăng.
Một số nhà tâm lý học đã chứng minh những người chơi game bạo lực sẽ gia tăng hành vi chống xã hội trong ngắn hạn.
Và không chỉ bạo lực ảo, thanh thiếu niên và trẻ em có thể chứng kiến bạo lực ngoài đời thực qua các thiết bị di động, đặc biệt với những thông tin được “live trực tiếp” qua các mạng xã hội. Quá tải những thông tin này có thể khiến một số người bị trầm cảm, hoảng sợ…
Theo tiến sĩ Dimitri Christakis – bác sĩ nhi khoa thuộc Viện Nghiên cứu trẻ em Seattle (Mỹ), ngày nay thời gian trẻ em (và cả người lớn) dành ra trước màn hình tivi, điện thoại, máy tính… ngày càng nhiều và chiếm hết những khoảnh khắc trao đổi giữa cha mẹ và con cái.
Để giải quyết vấn nạn này, AAP kiến nghị ngành công nghiệp giải trí ngưng đánh bóng “vũ khí và cái chết” trong các sản phẩm của mình, thể hiện bạo lực sao cho nó không ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả.
Đối với các bậc phụ huynh và bác sĩ, AAP đề xuất một chế độ “ăn kiêng văn hóa” dành cho trẻ em, hạn chế tiếp xúc các sản phẩm tiêu cực.
Trong vài thập kỷ qua đã có nhiều báo cáo tương tự về ảnh hưởng của trò chơi, phim ảnh bạo lực đối với hành vi hung hăng, bên cạnh đó cũng có những ý kiến không đồng tình.
Thực tế, các phương pháp kiểm tra trong nghiên cứu khoa học ngày nay chỉ đánh giá được tác động ngắn hạn của những cảnh máu me, có rất ít công trình xem xét ảnh hưởng lâu dài của văn hóa bạo lực đối với hành vi con người.
Báo cáo của AAP vì thế mang tính chất cảnh báo nhiều hơn là một kết luận “chung cuộc”.
Hãy dành thêm thời gian cho trẻ em
Nhìn chung có rất nhiều ý kiến phản biện, đồng tình (hoàn toàn hoặc một phần) trước báo cáo của AAP từ giới khoa học nhưng điểm chung là họ đều đồng ý rằng phụ huynh nên quan tâm đến con cái hơn.
Ông James Ivory, giáo sư ĐH Kỹ thuật Virginia (Mỹ), cho biết ông “không có vấn đề gì” trong việc giới hạn trẻ em tiếp xúc với văn hóa bạo lực nếu xuất phát từ sự cẩn trọng hay mục đích giáo dục.
Tuy nhiên, giáo sư Ivory không đồng ý với cách AAP “làm nghiêm trọng quá mức” ảnh hưởng của văn hóa bạo lực cũng như mức độ đồng thuận khoa học trong vấn đề này.
Trên báo Huffington Post , giáo sư tâm lý học Christopher Ferguson (ĐH Stetson, Mỹ) cũng cực lực phản đối báo cáo của AAP, cho rằng những kết luận đó là không có cơ sở.
Dẫn chứng một báo cáo 2013 của 230 học giả, nhà tâm lý học và tội phạm học gửi đến Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, ông Ferguson chỉ trích cảnh báo của AAP chỉ “gây hiểu lầm và gieo hoang mang”.
“Không phải ai sử dụng công nghệ cũng sẽ gặp vấn đề. Có rất nhiều yếu tố phụ dẫn đến tổn thương như rối loạn khả năng học hỏi, thiếu khả năng tập trung, ngại giao tiếp xã hội…” – ông Bruce Ballon, nhà tâm lý học Canada, cho biết.
Theo ông Ballon, vấn đề là chúng ta không biết được ai là người dễ bị tổn thương bởi các văn hóa phẩm bạo lực, chẳng hạn như với trò chơi bắn súng và cho đến khi nhận ra thì đã quá trễ.
Ông đồng tình với khuyến cáo của AAP rằng phụ huynh nên chú ý hơn đến hành vi của con cái và những gì chúng tiếp xúc hằng ngày.
Theo a family