Nỗ lực xóa bỏ hơn 600 điểm trường lẻ ở Yên Bái

Sau hơn 1 năm chuẩn bị và xây dựng đề án sắp xếp quy mô mạng lưới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông từ nay đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đã chính thức bước vào thực hiện dù vấp phải khó khăn, thách thức rất lớn.


Ảnh minh họa

Yên Bái hiện có 530 trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở (trong đó có 765 điểm trường lẻ ở các thôn bản vùng sâu, vùng  xa, vùng khó khăn nhất của tỉnh). Chi phí “nuôi” các điểm trường lẻ này khá lớn. Tại TP Yên Bái, có những trường và điểm trường chỉ có khoảng 100 học sinh với 5 lớp học ở 5 cấp học, còn vùng núi cao như Trạm Tấu hoặc Mù Cang Chải, số lượng học sinh tại nhiều điểm trường thấp hơn nhiều, nhưng vẫn phải duy trì hệ thống vật chất trường lớp và cán bộ quản lý cũng như giáo viên đứng lớp. Những cơ sở phân tán này rất thiếu thốn vật chất, thậm chí là nhếch nhác, không đáp ứng mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục. Chi phí lương và phụ cấp cho số lượng biên chế hiệu trưởng, hiệu phó cùng bộ máy vận hành điểm trường lẻ cũng là một gánh nặng, trong khi chất lượng giáo dục chưa có đột phá.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, khẳng định quyết tâm sắp xếp, sáp nhập điểm trường lẻ về trường học tập trung nhằm đổi mới toàn diện giáo dục và tinh giản biên chế ở tỉnh miền núi có nhiều khó khăn này. Trường học tập trung có sân chơi, thư viện, nhà vệ sinh, phòng y tế, đầy đủ đồ dùng học tập mới. Dự toán nguồn lực vật chất, chi phí cho đề án này lên tới 436 tỷ đồng. Theo đề án, sẽ di dời, xóa bỏ 151 trường học và 604 điểm trường lẻ, xây mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 700 lớp học. Hơn 750 cán bộ, giáo viên, nhân viên giáo dục dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp công việc hợp lý. Trước mắt, Yên Bái sẽ thận trọng thực hiện tại TP Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và từng bước rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện trong toàn tỉnh.

Khó khăn chồng chất

Ngày 22/7, Yên Bái mở “Hội nghị Diên Hồng” thống nhất giải pháp thể hiện đề án và quy tụ đồng thuận với sự tham dự của tất cả các ban ngành toàn tỉnh. Nhiều gia đình ở bản xa vùng cao ngại đưa con em đi học ở xa (có trường cách nhà 27km, ít nhất là 4km). Đưa con em đến ăn ở nội trú, bán trú ở trường tập trung chưa phù hợp với sinh hoạt tập quán của một bộ phận không nhỏ đồng bào thiểu số. Nguy cơ một lượng trẻ em mù chữ đã xuất hiện. Yên Bái sẽ phải chi hơn 10 tỷ đồng/năm cho con em học nội trú, bán trú. Việc di dời, tháo dỡ các điểm trường lẻ đưa về trường tập trung rất tốn kém (như tại Mù Cang Chải, sẽ phải chi hơn 50 triệu đồng di dời một lớp học, trong khi nguồn chi chỉ đến 30 triệu đồng/lớp). Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó nay phải miễn nhiệm, chờ nghỉ hưu, hoặc đi làm giáo viên đứng lớp khi về trường tập trung, nên tâm lý không tốt và có những phản ứng nhất định. Hàng trăm giáo viên sẽ phải đi đào tạo lại. Phải chi tới hàng trăm tỷ đồng cũng là thách thức lớn với tỉnh nghèo Yên Bái…

Tại Hội nghị, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, nêu rõ những khó khăn khi xóa bỏ điểm trường lẻ- nơi đồng bào đã gắn bó từ lâu, con em được đi học gần nhà. Nay học sinh phải đến học tập trung ở nơi cách xa nhiều rặng núi, họ đã có ý định cho con bỏ học. Người Mông trên núi hằng ngày phải đưa con đi học xa, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất. Gần một năm qua, huyện tổ chức nhiều hội nghị, bàn bạc giải pháp, tuyên truyền về tận thôn bản để tìm được sự đồng thuận từ cán bộ, giáo viên, đến xuống từng hộ dân, nhưng kinh phí tháo dỡ, di chuyển lớp học đến dựng lại tại trường mới rất hạn hẹp. Công vận chuyển đường núi quá lớn, lại một lần huy động sức dân, cuối cùng cũng được bà con ủng hộ, nhà nhà, người người bảo nhau đi vận chuyển đồ. Trạm Tấu cam kết sẽ di dời xong 66 phòng học tại các điểm trường lẻ đến nơi tập trung ngay trước kỳ năm học mới tới đây khi mà tỉnh chưa phải chi đồng nào cho việc di dời.  

Theo Tiền phong