Nhà đầu tư cần làm gì với quy tắc đầu tư giá trị của Warren Buffett khi cổ phiếu của công ty yêu thích bị sụt giảm mạnh thị phần, lợi nhuận được công bố lỗ liên tục, thị trường hoảng loạn với những thông tin khác nhau?
Bạn đang thực hiện kế hoạch tự do tài chính cá nhân bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư mạnh, gồm rất nhiều cổ phiếu khác nhau, dựa trên quy tắc đầu tư của Warren Buffett (tìm kiếm những công ty tuyệt vời, có lợi thế cạnh tranh cao – ít bị đối thủ cạnh tranh – đang bị thị trường định giá thấp và mua lại cổ phiếu để đợi giá của chúng tăng lên).
Thế rồi một sự kiện bất ngờ đến, một công ty bạn yêu thích và hiểu khá rõ bị sụt giảm mạnh thị phần do liên tiếp có những chiến lược kinh doanh sai lầm, lợi nhuận được công ty công bố lỗ liên tục và thị trường đang hoảng loạn với hàng loạt những thông tin khác nhau. Bạn sẽ làm gì với quy tắc đầu tư giá trị của Warren Buffett khi ấy?
Liệu công ty có thể “cất cánh” trở lại (như Coca-Cola, gặp khủng hoảng giai đoạn 1980, khi bị sụt giảm thị phần chỉ còn khoảng 40% do sự cạnh tranh gay gắt của Pepsi và sai lầm trong việc sản xuất sản phẩm mới, New Coke) hay sẽ “chìm sâu” và khó gượng dậy (như Burger King, sau khi thành công với “cuộc chiến Burger” 1982-1983, một loạt sai lầm trong định hướng khiến họ cho đến nay vẫn đang mất thị phần vào tay McDonald’s)?
Khi khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu, cổ phiếu của những công ty như Wells Fargo & Co., American Express Co… đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Warren đã mua hàng loạt cổ phiếu trong giai đoạn này.
Sau 5 năm (tính đến đầu tháng 10/2013, theo tính toán của Wall Street Journal), Warren đã thu về gần 10 tỷ USD trên số vốn 26 tỷ USD. Như vậy, Warren đã đạt mức lợi nhuận (trước thuế) xấp xỉ 38% trên các khoản đầu tư ông rót vào giữa thời kỳ khủng hoảng.
Không chỉ Warren Buffett, phương pháp đầu tư giá trị vào những thời điểm khủng hoảng như vậy còn giúp Graeme Hart (người được xem là giàu nhất New Zealand với tài sản ròng 6,1 tỷ USD), Suleiman Kerimov (tài sản ước tính 8 tỷ USD) và Seth Klarman (chủ của quỹ đầu tư Baupost Group có tỷ suất lợi nhuận vượt trội, hơn 20%/năm) đạt được những thành công vang dội.
Sắp xếp lại những hành động và lời khuyên của Warren, để việc đầu tư vào những thời điểm như trên không trở nên quá rủi ro cũng như dự đoán đúng cơ hội “cất cánh” trở lại của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hiểu và đánh giá sức mạnh nội tại của doanh nghiệp đó, dựa vào biểu hiện của người dẫn đầu công ty:
Hướng tới nhà đầu tư
Là một nhà đầu tư, Warren hiểu rằng, tiền thưởng, lương của các lãnh đạo nhận được chính là khoản tiền lấy ra từ túi của nhà đầu tư, vì vậy, nếu một CEO không thể hiện chút hành động nào rằng anh ta làm việc vì công ty, gắn bó lâu dài vì công ty, thì chỉ cần một “cơn sốt nhẹ” của công ty, dù giỏi đến đâu, anh ta sẽ sớm nghĩ đến việc “phòng thủ” cho mình trước khi nghĩ đến tiền bạc của bạn.
“Hướng tới nhà đầu tư” là tiêu chí đầu tiên mà một nhà lãnh đạo (CEO) cần để thuyết phục nhà đầu tư và đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất nhà đầu tư cần cân nhắc khi chọn một công ty có thể “cất cánh” trong cơn khủng hoảng.
Warren Buffett mô tả người lãnh đạo (CEO) trong bức thư gửi cổ đông năm 2004 là một người “sẽ điều hành công ty như thể đó là tài sản duy nhất của gia đình họ được sở hữu trong 100 năm”.
Hiện thực hóa việc này, mức tiền lương hằng năm của Warren chỉ là khoảng 100.000 USD – một con số rất nhỏ so với lợi nhuận mà ông mang về mỗi năm cũng như lương các nhà quản trị ở các hãng có cùng tầm cỡ như Berkshire Hathaway.
Thậm chí, với mức lương chỉ 1 USD/năm, những Steve Jobs (CEO của Apple), Mark Zuckerberg (CEO của Facebook), Lary Page (CEO của Google) đã hoàn toàn đặt trọn công sức làm việc của họ vào công ty, một minh chứng rằng tiền của bạn và tiền của họ đang cùng đặt chung một chỗ.
Giao dịch nội bộ
Một khi CEO đã thể hiện công ty là tài sản quan trọng nhất của họ, nhà đầu tư cần đặt ra câu hỏi, tại sao họ lại mua bán tài sản này của mình? Giao dịch nội bộ chính là việc CEO bán ra hoặc mua vào những cổ phiếu của công ty anh ta đang điều hành.
Suốt 46 năm làm CEO tại Berkshire Hathaway, Warren chưa bao giờ bán bất cứ cổ phiếu riêng lẻ nào. Ông chỉ bán những cổ phiếu của công ty khác, và khi ông làm việc này, cổ đông cũng được thông báo cụ thể.
Trước khi cổ phiếu của Enron rớt từ 80 USD xuống còn 0 USD, CEO và giám đốc tài chính (CFO) của Enron (phá sản năm 2001, được gọi là vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ tính tới năm 2001) một mặt bán dần toàn bộ cổ phiếu họ nắm giữ, mặt khác vẫn khuyên nhân viên và nhà đầu tư mua cổ phiếu Enron.
Trong đoạn trích lá thư gửi cổ đông của Microsoft năm 2002, Bill Gates và cộng sự của ông, Steven Ballmer đã viết như sau: “Phần lớn giá trị tài sản của chúng tôi được đầu tư vào cổ phiếu của công ty. Khi Microsoft phát hành cổ phiếu năm 1986, chúng tôi chưa bao giờ thực hiện quyền mua bán cổ phiếu, và chúng tôi sẽ không bao giờ làm như vậy. Chúng tôi hy vọng điều này đảm bảo chắc chắn lợi ích cá nhân của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với lợi ích lâu dài của tất cả cổ đông”.
Và đúng như lời cam kết này, mãi đến khi Bill Gates và Steven Ballmer rời khỏi vị trí điều hành của Microsoft, họ mới bắt đầu bán đi một phần cổ phần của mình – tài sản lớn nhất mà họ đang nắm giữ, chủ yếu để làm từ thiện và chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu.
Theo DNSGCT