Ngày 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi ông nắm giữ trọng trách là người đứng đầu Chính phủ vào hồi tháng 4 vừa qua.
Việt Nam và Liên Xô (cũ) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 1/1950. Tháng 7/2012, Việt Nam và Liên bang Nga nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế thương mại.
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, hiện Nga là nước đứng thứ 20 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam sang Nga cũng tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Từ chỗ chỉ có 100 triệu USD năm 2008 đã lên tới gần 2,93 tỷ USD vào thời điểm hiện tại (tháng 5/năm 2016) với trên 20 dự án tập trung trong các lĩnh vực dầu khí thương mại.
Đáng lưu ý, trong kim ngạch thương mại giữa hai nước, Việt Nam liên tục xuất siêu vào nước bạn với các sản phẩm chủ lực như: Điện thoại các loại và linh kiện; cà phê; hàng thủy sản; hạt tiêu, giày dép các loại.
Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập chủ yếu từ Nga, đó là: sắt thép; ô tô nguyên chiếc; than đá; phân bón…
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước sẽ cùng bàn về việc thúc đẩy triển khai các dự án lớn giữa hai nước trong các lĩnh vực cụ thể, trong đó có dự án về dầu khí, chăn nuôi bò sữa…
Hiện giữa hai nước cũng đã ký kết một số hiệp định, nghị định nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Mới đây nhất, người đứng đầu Bộ Công thương Việt Nam và người đồng cấp Nga – Denis Valentinovich Manturov đã chính thức ký Nghị định thư Hợp tác về ôtô. Trước đó, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu (Việt Nam – EAEU FTA) mà Nga là một thành viên.
Dự kiến Nghị định thư hợp tác về ôtô sẽ có cùng hiệu lực với hiệu lực của Hiệp định Việt Nam – EAEU FTA, tức là vào khoảng giữa năm 2016.
Theo Diễn Đàn Đầu Tư