Trung Quốc: Quản gia cho nhà giàu đang “Hot”

Một ngày cuối tuần tại một trung tâm đào tạo quản gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hàng chục phụ nữ mặc đồng phục màu tím đeo tạp dề trắng đang tập trung quanh một giáo viên để học cách bao quát công việc gia đình, dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn.


Ảnh minh họa

Quản gia cho người giàu và siêu giàu Trung Quốc đang là ngành nghề hấp dẫn hơn bao giờ hết, theo một bài bình luận mới đây trên Global Times.

Giá cao, cung hiếm

Các học viên tại trung tâm nói trên học tập trung tất cả các ngày thường và ngày nghỉ lễ. Không ai muốn bỏ trống một khoảng thời gian nào, bởi họ đã phải trả một số tiền rất lớn để học các kỹ năng trên, và họ muốn được đi làm để kiếm lại càng nhanh càng tốt.

Cũng giống như sở hữu xe hơi Ferrari hay túi xách Birkin, việc có một người quản gia cao cấp đang trở thành nhu cầu thời thượng trong giới siêu giàu Trung Quốc. Ngay lập tức, các công ty đào tạo quản gia, giúp việc gia đình mở hàng loạt khóa đào tạo để đáp ứng cho nhu cầu quản gia đang tăng nhanh.

Giáo viên của một trung tâm nói: “Người quản gia sẽ phải nhớ thật chi tiết về tất cả những vấn đề sức khỏe của gia chủ, phải biết cách thiết kế thực đơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho chủ. Để làm được điều này, quản gia phải có kiến thức thực sự về y tế, dinh dưỡng, khả năng nắm bắt tâm lý tốt, cũng như hiểu về thị trường thực phẩm để chọn được loại có chất lượng tốt nhất. Quá trình đào tạo được những điều trên mất nhiều thời gian, công sức”.

Học viên tại Meiyu Home Services – trung tâm đào tạo quản gia lớn nhất ở Bắc Kinh – được học để phục vụ cho người giàu và siêu giàu, chính vì vậy, chương trình đào tạo cũng bao gồm kỹ năng cao cấp hơn bình thường rất nhiều.

Chỉ riêng với căn bếp, họ phải học cách bài trí dao, muỗng, đĩa, nĩa và đũa phù hợp với từng phong cách tiệc Âu, Á, Trung Quốc; học cách cắm hoa nhiều phong cách; học cách rót rượu; học nhiều phong cách nấu nướng; phong tục, lễ nghi tôn giáo; cách mát-xa cho người lớn, trẻ nhỏ, cũng như những kỹ năng quản lý gia đình căn bản.

Học viên Vũ An 35 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam cho biết, cô đã phải trả lên đến 11.874 Nhân dân tệ, tương đương với khoảng 41 triệu đồng cho khóa đào tạo quản gia kéo dài 4 tuần này. Dù phải trả học phí cao như vậy, nhưng Vũ An tin nó là sự đầu tư xứng đáng.

Cô cho biết nhiều bạn bè của mình trong nghề này đang kiếm được từ 10.000 – 20.000 Nhân dân tệ/tháng (tương đương 35 – 70 triệu đồng). Thậm chí có nhiều người lương cao hơn nữa, mỗi tháng có thể kiếm được 35.000 Nhân dân tệ – một mức lương còn cao hơn lương quản lý bậc trung tại nhiều công ty ở Trung Quốc.

Để có việc tốt, học viên phải cạnh tranh khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp khóa học 4 tuần, họ phải tiếp tục thực tập 6 tháng tại trụ sở của công ty – một villa được thiết kế giống như nhà khách hàng tương lai.

Cuối cùng, công ty sẽ chọn ra những học viên giỏi nhất và gửi đến nhà khách hàng theo hợp đồng đã ký. Dù sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, nhưng những người giàu thường cũng phải chờ đến nhiều tháng mới có thể có được quản gia tốt.

Lý Vươngm – Giám đốc Meiyu Home Services nói: “Chúng tôi sẽ gửi một nhóm 4 người đến nhà khách hàng, bao gồm quản gia kèm 3 người trợ lý là các nhân viên dọn dẹp, đầu bếp và lái xe. Khách hàng sẽ phải trả 700.000 Nhân dân tệ (khoảng gần 1,1 tỷ đồng) mỗi năm. Giá cao như vậy nhưng chúng tôi thường phải để khách hàng chờ khá lâu mới kiếm được người phù hợp”.

Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị du lịch khách sạn tại Thụy Sỹ, Lý Vương đã mở công ty Meiyu Home Services với mục tiêu đáp ứng nhu cầu dịch vụ cao cấp của những người giàu Trung Quốc. Cô cho biết khách hàng của mình thường là những doanh nhân bất động sản giàu nhất Trung Quốc hay những đại gia kinh doanh hàng xa xỉ. Họ không hài lòng với dịch vụ giúp việc thông thường hiện nay ở Trung Quốc.

Bình cũ, rượu mới

Lý Vương không phải người duy nhất đang phát triển dịch vụ này ở Trung Quốc. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng rất nhạy bén trước nhu cầu của giới nhà giàu.

Trường International Butler Academy trụ sở tại Hà Lan đã mở chi nhánh duy nhất tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Thành Đô là trung tâm kinh tế trọng yếu của miền Tây Trung Quốc, còn tỉnh Tứ Xuyên lâu nay được mệnh danh là tỉnh giàu có của Trung Quốc.

Học viên của trung tâm phải trả 40.000 Nhân dân tệ để tham gia khóa học kéo dài 6 tuần. Cho đến nay, trung tâm đã đào tạo được 47 học viên.

Ngay khi tham gia vào khóa học, mỗi học viên nhận được 2 bộ đồng phục quản gia kiểu Âu, hai chiếc áo sơ mi trắng, 4 đôi găng tay trắng, vali lớn, cà vạt, đồng hồ đeo tay và nhiều phụ kiện khác. Họ sẽ được dậy tất cả các kỹ năng cần thiết để quản lý gia đình.

Không chỉ có vậy, các học viên sẽ được trang bị cả kiến thức về văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội căn bản. Họ còn được đưa đến các trung tâm mua sắm cao cấp để hiểu về các thương hiệu quần áo xa xỉ, phong cách ăn mặc, lựa chọn quần áo, đồ dùng, nội thất của người giàu.

Giám đốc đào tạo của trung tâm – ông Thomas Kaufmann nhận định về tương lai của dịch vụ này: “Người Trung Quốc ngày một giàu hơn chính vì thế họ cũng cần những giúp việc gia đình có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi đang có quá nhiều khách hàng và hiện tại cung không đủ cầu. Điều này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới”.

Báo cáo Hurun Wealth Report với xếp hạng về người giàu Trung Quốc công bố năm 2014 cho thấy đến cuối năm 2013, số lượng triệu phú Trung Quốc (người có tài sản trên 10 triệu Nhân dân tệ) là 1,09 triệu người, tăng 40 nghìn người so với năm trước đó.

Trong nhóm này, có 67 nghìn người được xếp vào nhóm siêu giàu (người có tài sản trên 100 triệu Nhân dân tệ). Kinh tế Trung Quốc có thể ngày một khó khăn hơn, nhưng trên thực tế, bằng cách này hay cách khác, có rất nhiều người vẫn giàu hơn theo thời gian.

Khi trở nên giàu hơn, triệu phú, tỷ phú Trung Quốc muốn học theo phong cách sống của người giàu châu Âu. Cũng theo Hurun, người siêu giàu thường sở hữu ít nhất 4 chiếc ô tô và ở trong những căn nhà trị giá ít nhất 20 triệu Nhân dân tệ. Họ sưu tập rượu, tranh cổ Trung Quốc, đi nghỉ ở nước ngoài. Họ thích chơi golf và 14% có bác sĩ tâm lý riêng.

Và gần đây, họ thích có quản gia cho riêng mình. Đối với họ, bỏ tiền ra thuê quản gia cao cấp cũng giống như mua túi xách hàng hiệu hay sắm ô tô, đồng hồ xịn.

Tuy nhiên, người bỏ tiền ra sắm hàng hiệu không hẳn đã hiểu hết giá trị của sản phẩm, dịch vụ họ mua về. Các trung tâm vì thế có cả những khóa đào tạo dành riêng cho khách hàng giàu có để họ hiểu họ nên làm gì để có thể khai thác được hết những dịch vụ mà quản gia cao cấp có thể mang lại.

Ranh giới không thể vượt qua

Công việc của một quản gia cao cấp phải chịu rất nhiều quy định ngặt nghèo. Ngoài việc phải làm tốt tất cả những kỹ năng quản lý, chăm sóc gia đình, có kiến thức tốt về xã hội, ẩm thực, thời trang, họ còn phải nắm được rất nhiều nguyên tắc không được ghi trên bất kỳ sách vở hay quyển hướng dẫn nào.

Về vai trò của quản gia trong gia đình, cô Lý Vương nói: “Khách hàng có thể rất thân thiện và coi quản gia như một thành viên trong gia đình, thế nhưng quản gia luôn phải nhớ vị trí của mình ở đâu. Ví như trung tâm của tôi luôn dạy học viên phải biết rút lui đúng cách”.

Cô chia sẻ người giàu tất nhiên luôn ăn những thực phẩm đắt tiền và có chất lượng tuyệt hảo nhất và họ thường mời quản gia ngồi ăn, đây chính là lúc phải rút lui. Bởi theo cô, sẽ thật khó coi khi ngồi ăn hải sâm cực đắt tiền với nhà chủ. Quản gia phải biết lúc nào nên ở lại, lúc nào nên đi, cái gì nên nói và không nên nói.

Quản gia cũng phải biết rằng nơi nào trong ngôi nhà không chào đón người đó. Cụ thể, thông thường quản gia phải tránh những phòng trưng bày đồ cổ hay phòng thờ.

Quản gia cũng phải tuyệt đối giữ nguyên tắc bí mật cho đến cùng, không bao giờ được chia sẻ về thân thế gia chủ cũng như những gì đã xảy ra trong gia đình người đó.

Theo VnEconomy