Thị trường sách điện tử: Ebook đã thoái trào?

Năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 76.300 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 2.774 xuất bản phẩm điện tử. Tuy nhiên, ở đích đến, chỉ có hơn 1.100 ebook được phát hành với 3,7 triệu lượt được bán ra. Phần lớn xuất bản phẩm điện tử được chuyển từ sách giấy hoặc được xuất bản song song với sách giấy. Đã có hơn 5 năm cho cuộc đua sách điện tử, liệu các doanh nghiệp đã thực sự mặn mà với con đường này?


Ảnh minh họa
Công cuộc thoái trào?

Năm 2007, khi nhà bán lẻ trực tuyến Amazon cho ra mắt sách điện tử, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dùng đã khiến rất nhiều chuyên gia dự đoán về cái chết của sách in. Tuy nhiên, cơn sốt ebook không kéo dài lâu.

Theo báo cáo của Hiệp Hội Xuất Bản Mỹ, từ giữa năm 2013, sự tăng trưởng của sách điện tử tại thị trường Mỹ không còn là 2 hay 3 chữ số nữa mà chỉ tăng 5% trong quý đầu tiên.

Sự khó khăn của ebook còn được minh chứng vào cuối năm 2015, sau hơn 20 năm bán trực tuyến, Amazon quyết định mở hiệu sách truyền thống, nằm tại Seattle, Washington, Mỹ. “Xu hướng chủ đạo vẫn là sách in truyền thống. Với thị trường Việt Nam, người dùng vẫn trân trọng và lựa chọn sách giấy”, bà Lệ đánh giá.

Tham gia thị trường ebook ngay từ những ngày đầu nhưng Phương Nam vẫn xác định ebook chỉ là khoản đầu tư “đón đầu” để không bị bỏ lỡ, nếu thị trường bùng nổ thì vẫn có thể theo kịp chứ không đẩy mạnh đầu tư. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chờ những tín hiệu khả quan hơn từ phía thị trường”, bà Lệ khẳng định.

Quyết định của Phương Nam không phải không có lý do. Thực tế, ebook vẫn chưa được xem là một hàng hóa để kinh doanh thực sự. Trên các diễn đàn, việc ebook được bán giá rẻ, thậm chí là chia sẻ miễn phí vô tội vạ trên mạng.

Theo ông Đồng Phước Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ Ybook, không kể các đầu tư ban đầu, chi phí số hóa tối thiểu một đầu sách của chính NXB đã là hơn 1 triệu đồng/ bản. Với những đơn vị phải gia công bên ngoài, con số này còn tăng hơn gấp rưỡi.

Đầu tư ban đầu như thế nhưng doanh thu năm 2015 của Ybook mới chỉ hơn 3 tỷ đồng. Mỗi năm, đơn vị này chấp nhận lỗ từ 600 đến 800 triệu đồng cho ebook. “2016 là thời gian Ybook phải “cắt sữa” từ NXB Trẻ, phải tiến đến tự nuôi sống và phát triển”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ tính toán. 

Đã có tín hiệu ban đầu về việc cá nhân tự xuất bản ebook, thay vì xuất bản cả hai loại hình. Điển hình là Bộ Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm giữ nước của tác giả Nguyễn Đức Chính.

Thay vì chọn giải pháp in truyền thống, chi phí lên đến 3 tỷ đồng cho tập sách ảnh này thì tác giả đã chọn xuất bản bằng ebook, với giá thành chỉ gần 50 triệu đồng/9 tập/bộ.
Theo ông Đồng Phước Vinh, tính đến nay, đã có hơn 50 tác giả chọn ebook làm kênh xuất bản. Tuy chưa phải là những tác giả có khả năng tạo nên best seller cho thị trường ebook nhưng điều này cho thấy, trong tương lai, xu hướng làm dịch vụ xuất bản cho ebook cũng sẽ phát triển như việc liên kết xuất bản phẩm hiện nay.
Ách tắc phát hành

Trái với thái độ thận trọng của Phương Nam, tuy chưa đơn vị nào dám công bố có lãi với khoản đầu tư này nhưng nhiều đơn vị vẫn kiên trì với con đường của mình như Alezaa, Vinabook…

Đầu năm 2015, nhà sách trên mạng Tiki cũng gây bất ngờ khi công bố tham gia thị trường sách điện tử, sau khi nhận được khoản đầu tư đáng kể từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đã có sẵn nền tảng từ việc phân phối sách trên mạng, việc dấn thêm một bước của Tiki vào ebook cho thấy những tính toán dài hơi của đơn vị này với thị trường sách.

“Thực tế là thị trường ebook đang mạnh nhà nào, nhà nấy làm. Mỗi đơn vị tự xây dựng kênh phát hành riêng, ứng dụng riêng như thế không thuận lợi cho người dùng”, ông Đồng Phước Vinh nhận xét.

Do vậy, nếu có một đơn vị phát hành lo cho “số phận” của ebook, sẽ có khả năng thúc đẩy thị trường hơn.

Năm năm đầu tư cho ebook, tính đến nay, sở hữu 50.000 tựa ebook nhưng Ybook cũng chưa dám giao sản phẩm của mình cho các đơn vị khác phát hành.

“Vấn đề bản quyền là trở ngại lớn nhất. Chỉ cần đối tác không tính toán kỹ, bản ebook đã có thể bị lấy mất. Chưa kể, chất lượng file ebook hoàn toàn có thể dùng để in sách lậu. Nếu không cẩn thận, phát hành ebook đại trà có thể gây nguy hại đến sách giấy”, ông Nhựt chia sẻ.

Chưa thông thoáng trong khâu phát hành, cách duy nhất mà các đơn vị chọn lựa là phải chuẩn bị kho nội dung của mình thật tốt và đưa ra các chiến lược kinh doanh tốt để làm nóng thị trường.

Trong khi chờ đợi những đột phá mới, trước mắt, các đơn vị này đành cố gắng trong việc quảng bá để người dùng biết nhiều hơn đến ứng dụng đọc sách của mình, thậm chí là bằng hình thức thủ công nhất là liên hệ với các đơn vị cài đặt ứng dụng trên smartphone để khuyến khích họ giới thiệu App đến người dùng.

Ông Nhựt tiết lộ: “Chúng tôi cũng đang liên hệ với các đơn vị sản xuất thiết bị để ứng dụng của mình được cài đặc mặc định theo sản phẩm. Có như vậy thì Ybook mới có cơ hội để người dùng biết đến”.

Theo DNSG