Đào tạo Trước thời hội nhập sâu, lao động Việt đang đánh mất ưu...

Trước thời hội nhập sâu, lao động Việt đang đánh mất ưu thế

6
Đứng trước cánh cửa hội nhập với một loạt các Hiệp định thương mại FTA vừa kí kết, nguồn nhân lực nước ta đang mất dần lợi thế cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.


Có một thực tế, học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH đều muốn học đại học chứ không muốn học nghề. Do đó, dẫn tới tình trạng nhiều thầy, thiếu thợ

Cạnh tranh khốc liệt từ chuyển dịch lao động nội khối
Tại Hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam” do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức ngày 27/3, ông Đỗ Văn Giang – Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Việt Nam đang dần đi qua giai đoạn dân số vàng và những năm tới sẽ phải đối mặt vấn đề già hoá dân số. Chúng ta sẽ dần không còn lợi thế về nguồn lao động dồi dào nữa.

Bên cạnh đó, thực trạng thị trường lao động nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập như năng suất lao động và chất lượng việc làm còn thấp. Cơ cấu nhân lực lao động có nhiều bất cập và có nguy cơ ngày càng gia tăng sự bất cập, quản lý lao động lỏng lẻo.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo, đến năm 2020, nhu cầu lao động trong khu vực nông lâm ngư nghiệp là 13 triệu người; ngành công nghiệp và xây dựng là 16 triệu người; ngành dịch vụ là 15 triệu người; ngành giao thông vận tải là 939.000 người, ngành du lịch là gần 343.000 người.

“Một loạt các FTA vừa kí kết với xu hướng di chuyển lao động trong nội khối sẽ tạo lên môi trường cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động Việt Nam. Do đó, dù dư địa về nguồn lao động dồi dào vẫn còn đôi chút thì cũng đã hết cái thời “lấy thịt đè người” – ông Giang nhấn mạnh.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Ngọc (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, hiện Việt Nam có khoảng 54 triệu lao động, trong đó, lao động có bằng cấp có tỷ lệ rất thấp. Và có khoảng 30% lao động không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp nên thiếu lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam đang cách một khoảng dài so với Nhật Bản – một đối tác quan trọng trong TPP và chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Thậm chí, so với Thái Lan, Philippines, Indonesia nước ta cũng dần không còn lợi thế về lao động nữa.

 “Cháy nhà” mới ra mặt “đào tạo”

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng lao động thấp, mất dần yếu tố cạnh tranh từ nguồn nhân lực, các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do chất lượng đào tạo quá kém.

Theo báo cáo, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 của nước ta chỉ đạt 38,5%. Hiện vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm ngành nghề. Nhiều ngành nghề có lượng tuyển sinh rất cao (ngân hàng, kinh doanh). Ngược lại, có nhiều nghề tuyển sinh được rất ít ỏi, hoặc không tuyển sinh được (mỏ, công nghệ mạ, chế tạo khuôn đúc, khoan nổ, mìn, rèn, hoá nhuộm…).

Bên cạnh đó, ông Masushita Takashi – Cố vấn cao cấp Hình thành Dự án, Văn phòng Jica tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam tuy có rất nhiều loại hình đào tạo nhưng cách đào tạo vẫn thiếu sáng tạo và thiếu năng lực giải quyết vấn đề nên chất lượng nhân lực sau đào tạo chưa cao.

Thêm vào đó, theo ông Giang, nước ta vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề yếu kém trong đào tạo nghề  từ cơ chế chính sách quản lý, phát triển dạy nghề chưa đồng bộ; giáo viên tuy nhiều nhưng một số ngành nghề vẫn bị thiếu và yếu về chất lượng, cơ sở vật chất dạy nghề lạc hậu…đến việc chưa thiết lập được mối liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề.

“Mặt khác, ở Việt Nam vẫn tồn tại một hệ tư tưởng cố hữu, học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH đều muốn học đại học chứ không muốn học nghề. Do đó, chúng ta vẫn “nhiều thầy, thiếu thợ” – ông Giang cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề và quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nhà nước. Đồng thời, thiết lập hệ thống đánh giá tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng đào tạo và gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Song song với các giải pháp đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, thu hút ODA vào giáo dục, đàm phán với các nước Asean để tiến tới công nhận văn bằng.

Theo dddn