Nhà triết học vĩ đại Disraeli đã cho rằng: “Đời người quá ngắn, xin đừng để nó hóa tầm thường”. Hãy tư duy lớn, rồi bạn sẽ thành công.
Mức tiền gửi ngân hàng, mức hạnh phúc, mức thỏa mãn chung của một người, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng tư duy của mỗi người. “Trí óc có nhiệm vụ của nó và tự nó có thể có thể biến thiên đường thành địa ngục hay biến địa ngục thành thiên đường”. Đó chính là sự kỳ diệu của tư duy lớn.
Tin tưởng thành công, bạn sẽ thành công
Con người ai cũng muốn thành công. Ai cũng muốn nhận được những điều tốt đẹp từ cuộc sống. Không ai thích quy lụy, sống trong cảnh tầm thường. Không ai muốn mình là công dân loại hai và bị đẩy xuống đáy.
Niềm tin vào thành công có thể mang lại sự kỳ diệu. Niềm tin vào những thành quả to lớn chính là động lực, là sức mạnh. Niềm tin chính là bộ ổn nhiệt điều chỉnh những điều ta đạt được trong cuộc sống. Hãy tìm hiểu kẻ tầm thường đang lê bước kia. Hắn tin rằng mình chẳng đáng giá bao nhiêu, vì thế hắn chẳng nhận được là bao. Hắn tin rằng mình không quan trọng, vì thế mọi việc hắn làm đều không để lại ấn tượng gì đáng kể.
Cách tư duy lớn
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Nhược điểm lớn nhất của mình là gì?”. Có lẽ nhược điểm lớn nhất của con người là tự ti, tức là tự đánh giá thấp bản thân. Tự ti thể hiện dưới rất nhiều hình thức. Nhận thức được nhược điểm là rất tốt, vì nó giúp chúng ta thấy được những mặt nào mình cần hoàn thiện. Nhưng nếu chỉ biết những mặt tiêu cực của mình chúng ta sẽ bối rối. Chúng ta cảm thấy mình không có giá trị gì nhiều.
Hãy nhờ một người khách quan nào đó – có thể là người bạn đời, cấp trên hay một chuyên gia – giúp đỡ xác định 5 thế mạnh của bạn. Tiếp đó, dưới mỗi thế mạnh, hãy viết tên 3 người mà bạn quen biết đã rất thành công nhưng không có được thế mạnh này nhiều như bạn. Khi hoàn thành bài tập này, bạn sẽ nhận ra rằng chí ít mình có ưu thế hơn rất nhiều người thành đạt ở một khía cạnh nào đó.
Những người tư duy lớn là những chuyên gia trong việc tạo ra những hình ảnh tích cực, tiến bộ, lạc quan trong tâm trí mình và tâm trí người khác. Để tư duy lớn, chúng ta phải sử dụng từ ngữ tạo ra những hình ảnh ý nghĩa, tích cực trong tâm trí.
Biến thái độ thành bạn đồng hành
Cách chúng ta suy nghĩ thể hiện qua cách chúng ta hành động. Thái độ là tấm gương phản chiếu của tư tưởng. Chính thái độ tạo nên sự khác biệt. Hãy biến thái độ thành bạn đồng hành theo những cách sau:
– Hãy thổi sức sống vào hoạt động của mình. Sự nhiệt thành, hay kém nhiệt thành, đều thể hiện qua mọi hành động và lời nói của bạn. Hãy thổi sức sống vào cái bắt tay, vào nụ cười. Hãy cười bằng ánh mắt, không ai thích một nụ cười giả tạo, thoáng qua. Hãy nói bằng giọng nói tràn trề. Hãy thổi sinh khí vào lời nói của bạn để cuộc sống luôn đầy nhiệt huyết.
– Báo tin vui. Tin vui làm tăng sự nhiệt thành. Thậm chí nó còn làm tăng khả năng lĩnh hội. Không ai có được bạn bè, không ai trở nên giàu có, không ai đạt được bất kỳ thành quả nào bằng cách báo tin buồn. Hãy báo tin vui cho gia đình bạn, hãy nhắc đến những sự kiện vui vẻ, dễ chịu mà bạn đã trải qua và chôn vùi những chuyện không vui.
Tập thói quen hành động
Mọi nghề nghiệp – bất kể điều hành doanh nghiệp, bán hàng, làm việc trong lĩnh vực khoa học, quân sự hay chính trị – đều cần người biết hành động.
Ý tưởng xuất sắc thôi chưa đủ. Một ý tưởng chỉ tương đối hay nhưng được thực hiện và phát triển vẫn tốt hơn một ý tưởng xuất sắc nhưng bị tàn lụi vì không được thực hiện.
Những người thành đạt luôn năng động, chủ động trong mọi hoàn cảnh còn kẻ thất bại luôn bị động. Nhiều ngườ thụ động là vì họ khăng khăng chờ đến lúc mọi việc chắc chắn thuận lợi rồi mới hành động. Cầu toàn là rất tốt. Tuy nhiên, không gì do con người làm ra hoàn hảo tuyệt đối hoặc có thể hoàn hảo tuyệt đối được. Do đó, cứ cầu toàn thì chẳng được việc gì. Hãy tập thói quen hành động.
Chuyển bại thành thắng
Bạn không thể đạt được thành công vượt bậc mà không đương đầu với sự chống đối, thử thách và trở lực. Song bạn có thể dùng những trở lực đó đẩy bạn tiến lên phía trước.
Nhiều người giải thích cho cảnh sống tầm thường của họ là do “kém may mắn”, “vận rủi”, “số đen” và mong tìm được sự cảm thông của người khác. Họ không thể nhìn thấy những cơ hội phát triển rộng lớn hơn, chắc chắn hơn và độc lập hơn. Hãy thôi đổ lỗi cho thời vận. Việc đổ lỗi cho thời vận không bao giờ giúp bạn đến được nơi mình muốn đến.
Sự khác biệt giữa thành công và thất bại là ở thái độ đối với những trở lực, những bất lợi, những điều gây thoái chí và những hoàn cảnh đáng thất bại khác.
Đừng tránh né thiếu sót của mình. Hãy hành động như những người chuyên nghiệp thực sự. Họ tìm kiếm lỗi lầm và thiếu sót của mình rồi sửa chữa chúng. Đó là những gì làm họ trở thành người chuyên nghiệp. Lẽ đương nhiên là đừng cố moi móc lỗi lầm của mình để rồi cho rằng: “Lại một nguyên nhân nữa khiến mình thất bại”. Thay vào đó, hãy nhìn nhận thiếu sót của mình theo hướng: “Lại thêm một cách nữa giúp mình đạt được thành công to lớn hơn”.
Hãy kết hợp tính kiên trì với thử nghiệm. Hãy theo đuổi mục tiêu của mình nhưng đừng đâm đầu vào một hướng. Hãy thử các phương pháp mới. Hãy nhớ rằng mọi vấn đề đều có mặt tích cực. Hãy tìm mặt tích cực đó. Hãy nhìn vào khía cạnh tích cực và lạc quan trở lại.
Theo “Sự kỳ diệu của tư duy lớn”