Thế giới đang có có quá nhiều biến động, bất ổn địa – chính trị. Những biến động này đã và đang đe dọa đà tăng trưởng còn bấp bênh của kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa
Mới đây, trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ 3 trong năm 2014, IMF hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%. Điều này cho thấy, thời gian qua xu thế phục hồi liên tục của nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải thách thức.
Trong các yếu tố tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế thế giới, IMF có kể đến các cuộc khủng hoảng địa – chính trị cục bộ đã gây bất ổn định tại một số khu vực, làm giảm lòng tin của giới tiêu dùng trong nước và giới đầu tư nước ngoài.
Theo Báo cáo Chỉ số hòa bình thế giới 2013 của Viện Kinh tế và hòa bình, trong giai đoạn 2008-2013, môi trường hòa bình đã sa sút ở hầu hết các khu vực: châu Á-Thái Bình Dương, Nam Á, Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribe, châu Phi cận Sahara, Nga và vùng lãnh thổ Âu – Á, và đặc biệt là khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Tại châu Âu, bất ổn Ukraine bắt đầu từ đầu năm 2014, với việc lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sau đó là sự sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Động thái này đã gây nên tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine – Liên minh châu Âu (EU) – Mỹ.
Việc phương Tây tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga đang khiến kinh tế Nga lao đao. Đồng ruble Nga đã mất gần một phần tư giá trị kể từ giữa năm tới nay.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng năm vừa công bố hôm 10/11/2014, NHTW Nga đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014-2016 về gần 0, đồng thời nhận định những trừng phạt từ phương Tây nhằm vào quốc gia này do khủng hoảng ở Ucraina sẽ kéo dài ít nhất tới cuối 2017. Họ cũng nâng dự báo luồng vốn ròng chảy ra khỏi Nga sẽ lên tới 128 tỷ USD năm 2014 và 99 tỷ USD năm 2015.
NHTW Nga dự báo kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2014; 0% trong năm 2015 và 0,1% trong năm 2016.
Việc áp dụng các lệnh trừng phạt cũng gây thiệt hại cho cả EU và Mỹ. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine được các tổ chức quốc tế đánh giá là có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến kinh tế thế giới.
Trong đánh giá về tình hình kinh tế thế giới khi trả lời phỏng vấn tờ Les Echos của Pháp ngày 8/9/2014, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay vẫn “quá yếu, mong manh và không đồng đều”, đồng thời bị chi phối bởi các rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông.
Đồng quan điểm với bà Lagarde, các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng nhận định rằng, đà hồi phục kinh tế châu Âu đang đứng trước rủi ro và chính phủ các nước châu Âu đang đối mặt với sức ép phải đưa nền kinh tế thoát khỏi giảm phát nhưng vấp phải những trở ngại chính trị và bất đồng về kế hoạch hành động.
Ngày 4/11/2014, theo dự báo tăng trưởng kinh tế mùa Thu của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của 18 nước thành viên Eurozone trong năm nay chỉ đạt 0,8%, giảm mạnh so với mức 1,2% đưa ra trong dự báo trước đó.
Tại châu Á, kinh tế Hồng Kông nói riêng, Trung Quốc nói chung đang gặp thách thức lớn sau những đợt biểu tình chiếm trung tâm của giới trẻ Hồng Kông. Các cuộc biểu tình gần đây tại Hồng Kông được phân tích không đơn giản là phản ứng với quy định bầu cử mà Bắc Kinh đưa ra cuối tháng 8, nó còn bắt nguồn từ bức xúc và thiếu niềm tin của người Hồng Kông vào chính quyền Trung Quốc.
Sau gần 20 năm về lại với Trung Quốc, những gì người dân Hồng Kông đang trải qua không khiến họ hài lòng. Thế hệ trẻ Hồng Kông cho rằng họ không được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế như các thế hệ trước đó.
Kinh tế Hồng Kông đã và đang bị tổn thương. Tập đoàn Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng quý IV/2014 của Hồng Kông từ 2,5% xuống 2% với nhận định, chi tiêu vào du lịch sẽ giảm đáng kể. Các nhà phân tích cho rằng, nếu trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông gặp nguy sẽ không chỉ một mình nền kinh tế Hồng Kông hay Trung Quốc “chịu trận”…
Trước Hồng Kông, tình hình chính trị Thái Lan vào những tháng đầu năm 2014 cũng rất căng thẳng. Mâu thuẫn giữa phe đối lập và chính quyền keo dài đẩy đất nước Thái Lan rơi vào tình trạng tê liệt khiến cho quân đội lại một lần nữa tiến hành đao chính.
Tình hình chính trị căng thẳng đã khiến kinh tế Thái Lan lao đao. Du lịch, chiếm khoảng 7% của nền kinh tế, đã giảm rõ rệt: theo STR Global, nhà cung cấp dữ liệu, giá khách sạn cho thuê từ tháng Giêng đến tháng Năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 15%. Doanh thu của ngành du lịch Thái Lan trong năm 2014 dự kiến cũng chỉ đạt 1.150 – 1.170 tỷ baht, thấp hơn so với con số mục tiêu 1.300 tỷ baht.
Ngày 30/10/2014, Văn phòng Chính sách Tài chính (FPO) thuộc Bộ Tài chính Thái Lan đã hạ mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong năm 2014 từ 2% xuống chỉ còn 1,4%. Các quan chức của FPO cho biết, nền kinh tế Thái Lan đã suy thoái ở mức 0,1% trong nửa đầu năm nay.
Ngoài các khu vực nêu trên thì theo các nhà phân tích tình hình căng thẳng trên biển Đông và Hoa Đông, sự bùng phát của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, xung đột phe phái nghiêm trọng ở Libya, sự nổi lên của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành mối đe dọa an ninh mới tại khu vực Trung Đông và xu hướng ly khai bùng phát tại nhiều khu vực… tạo ra môi trường không thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Theo TAPCHITAICHINH