Kiến thức quản trị Thấy gì từ vụ thiệt mạng của CEO Tập đoàn Total

Thấy gì từ vụ thiệt mạng của CEO Tập đoàn Total

13
Trong những phút cuối đời, ông Christophe de Margerie đang làm công việc thường ngày của một giám đốc điều hành thời hiện đại: Công tác xa.
Ảnh minh họa

Theo tin từ Bloomberg, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total của Pháp, Christophe de Margerie, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay phản lực thương mại tại sân bay Vnukovo ở Moscow hôm 21/10. Chiếc máy bay hạng nhẹ đã đâm vào máy dọn tuyết trong quá trình cất cánh khiến thiết bị hạ cánh bị hỏng. 
Ông de Margerie, 63 tuổi, đang trên đường trở về Pháp sau một khi tham dự và thuyết trình tại một hội thảo phản đối các lệnh trừng phạt, của một hội đồng đầu tư do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chủ trì. Khán giả của ông bao gồm 50 CEO các công ty lớn khác, rất nhiều trong số đó cũng phải bay hàng nghìn cây số để đến nơi.
Các chiến binh CEO
De Margerie chỉ là một trong nhóm “chiến binh giám đốc điều hành”, thường xuyên dịch chuyển vượt châu lục, từ Moscow tới New York tới Thượng Hải, để bàn việc làm ăn.
“Các CEO toàn cầu ngày nay thường đi công tác 20 ngày trong một tháng, chỉ nghĩ tới thôi cũng đã đủ sợ”, ông Jeffrey Sonnenfeld, lãnh đạo trường đại học quản lý Yale nhận xét.
“Chẳng khác gì bắt một bác sỹ làm việc 50 giờ liên tục trong phòng cấp cứu, không ai có thể đáp ứng công việc với nhịp độ căng thẳng như vậy”, ông nói.
Ông Sergio Marchionne, CEO công ty sản xuất ô tô Fiat Chrysler Automobiles kể lại ông từng “vô gia cư” trong vòng 5 năm, giai đoạn thương vụ sáp nhập giữa Fiat của Ý và công ty Chrysler của Mỹ đang được tiến hành. Ông dành hàng tuần, hàng tháng trời để bay vượt Đại Tây Dương, thúc đẩy tiến trình của thỏa thuận.
“Việc được nghỉ ngơi thoải mái tại nhà riêng đối với tôi là một điều xa xỉ”, ông Marchionne cho biết. Trong tháng này, ông phải bay qua lại giữa Michigan và Ý, rồi quay trở lại Mỹ hai ngày sau đó để rung chuông ăn mừng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. 
Ông Marchionne tiết lộ sẽ “bỏ lại mọi thứ” sau khi kế hoạch doanh nghiệp kéo dài tới năm 2018 của Fiat kết thúc, sau đó ông sẽ dành thời gian theo đuổi những sở thích cá nhân.

Tiếng chuông cảnh tỉnh
Đôi lúc, bệnh tật là tiếng chuông báo động khiến các giám đốc bận rộn này bừng tỉnh. Ông Ton Buechner lên cầm cương lãnh đạo công ty sản xuất sơn lớn nhất thế giới Akzo Nobel tính đến nay đã được sáu tháng. Tuy nhiên, ông vừa quyết định xin nghỉ hẳn một tháng vì kiệt sức theo lời khuyên của bác sỹ.
Ông Johann Rupert là Chủ tịch công ty sản xuất nữ trang cao cấp Cie Financiere Richemont SA, sở hữu nhãn hàng nổi tiếng Cartier. Trong tháng Chín, ông cũng vừa tái xuất sau kỳ nghỉ kéo dài tới một năm.
“Nghe thật mỉa mai, nhưng ông chủ một công ty đồng hồ lại không thể kiểm soát thời gian của chính mình”, ông Rupert phát biểu vào tháng 5/2013 khi thông báo kế hoạch nghỉ dưỡng dài hơi.
Max Schireson đã từ chức CEO tại công ty dữ liệu MongoDB trong tháng trước vì ông đã quá mệt mỏi khi đi lại giữa California và New York. Trong năm 2013, ông đã bay tổng cộng gần 500.000 km.
“Vì những chuyến bay ấy, tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ. Tôi không thể ở cạnh con khi chú cún nhỏ của gia đình bị xe ô tô đâm, cũng chẳng ở trong viện khi con trai phải phẫu thuật khẩn cấp”, Schireson viết trên blog riêng vào tháng Tám.
Mặc dù vậy, đi công tác là một nhiệm vụ không thể né tránh của các CEO. Điều này giúp họ đều đặn gặp nhân viên và khách hàng trên toàn thế giới, ông Michael Useem – giám đốc trung tâm quản lý lãnh đạo tại Đại học Pennsylvania nói.
“Các CEO chỉ có thể giải thích về chiến lược, giá trị của công ty một cách thuyết phục nhất khi trực tiếp đứng trước các đối tác hoặc khách hàng. Đó chính là quyền lực, cũng là gánh nặng của sự hiện diện cá nhân”, ông nói.
“Khi bạn điều hành một công ty đa quốc gia, bạn không còn lựa chọn nào khác”, ông Bill George nhấn mạnh. Ông từng là giám đốc tại nhiều tập đoàn toàn cầu như Exxon Mobil và Goldman Sachs.

Theo Bizlive