Kiến thức quản trị Chỉ số đo thời gian giải phóng hàng: 72% nằm ở khâu...

Chỉ số đo thời gian giải phóng hàng: 72% nằm ở khâu nào?

21
Vừa qua, trong chỉ số đo thời gian thông quan hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ, hải quan chỉ chiếm 28%, còn lại 72% là thuộc về các bộ ngành liên quan. Vậy 72% là thuộc khâu nào, bộ phận quản lý nào và do đâu?
Ảnh minh họa

Tại Khoản 4 Điều 35 Luật Hải quan quy định: “Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa, phương tiện vận tải”. Tuy nhiên, việc phối hợp kiểm tra chuyên ngành đang gặp nhiều khó khăn do cách thực hiện và triển khai của mỗi bộ một khác.
Mỗi bộ một phách
Thực tế hiện nay, các bộ, ngành ban hành quá nhiều danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, dẫn đến tình trạng chồng chéo, không rõ ràng, tạo nên sức ép rất lớn lên việc thực hiện thủ tục thông quan của cơ quan Hải quan, phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý cho DN. Trong khi đó, lực lượng để kiểm tra chuyên ngành của cá bộ ngành lại mỏng, không thường trực tại nơi kiểm tra nên gây khó rất nhiều cho DN, hải quan muốn nhanh cũng không được vì phải chờ kết luận chuyên ngành.
Do vậy, có một thực tế là cùng một lô hàng phải chịu kiểm tra nhiều lần, nhiều lượt của nhiều lực lượng chức năng và vào nhiều thời điểm khác nhau vì các lực lượng chuyên ngành không bố trí phối hợp với nhau, mỗi chuyên ngành kiểm tra theo “ngẫu hứng” thời gian do mình tự sắp đặt. Dẫn tới nhiều tình trạng DN “dở khóc dở cười” vì container phải tháo rời và hàng hóa bị đảo lộn để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành.
Vì chịu quá nhiều thủ tục và bị kéo dài thời gian nên đã xảy ra tình trạng có những loại hàng hóa trong khi chờ kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, do điều kiện lưu giữ, bảo quản tại cửa khẩu không thể đáp ứng được nên đã được các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan Hải quan quyết định cho đưa hàng về bảo quản nhưng DN đã đưa hàng đi tiêu thụ khi vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mất an ninh kinh tế mà còn ảnh hưởng tới an toàn xã hội.
Tìm cách hội tụ
Để đảm bảo tính thống nhất và hạn chế vướng mắc khi triển khai thực hiện, đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thông quan hàng hóa XK, NK, Bộ Tài chính đã kiến nghị phải chỉ rõ trong các văn bản dưới luật các quy định cụ thể về thời gian kiểm tra liên ngành. Cụ thể, đối với hàng hoá XK, NK thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra, cơ quan kiểm tra có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan Hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan quyết định việc thông quan hàng hoá, trừ trường hợp pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác.
Riêng về công tác quản lý hàng hoá XNK chuyên ngành theo mã HS, các đơn vị Hải quan cho rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP kèm theo Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành theo mã HS thật cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung dễ gây hiểu lầm hoặc tạo cơ hội cho gian lận thương mại. Các bộ, ngành trước khi ban hành các Danh mục quản lý chuyên ngành cần trao đổi với Bộ Tài chính về tên hàng và mã hàng của Danh mục để phù hợp với Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam, tránh phải rà soát, điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn cho đơn vị thực hiện.
Các bộ, ngành ban hành quá nhiều danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, dẫn đến tình trạng chồng chéo.
Khi có sự thay đổi, điều chỉnh tên hàng, mã số hàng hoá của Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam, Bộ Tài chính cũng cần có thông báo đến các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện điều chỉnh các Danh mục đã ban hành cho thống nhất và kịp thời.
Quy định rõ trách nhiệm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện có 8 luật, 33 nghị định và 134 thông tư liên quan đến kiểm tra chất lượng Nhà nước đối với hàng hóa XNK. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành liên quan cũng như những chế tài để giảm thời gian thông quan xuống vẫn còn thiếu trong hệ thống luật này. Cụ thể như quy định Bộ nào, cơ quan nào phải có lực lượng tại cửa khẩu, số lượng người và máy móc cần là bao nhiêu, phương thức, quy trình kiểm tra hay cần nêu rõ máy móc thiết bị phải đăng kiểm là bao nhiêu, những loại nào phải chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội, đăng kiểm bao lâu có kết quả để có cơ sở giải quyết…
Tất cả những yêu cầu đó cần được chi tiết hóa trong các văn bản dưới luật để làm sao tạo hành lang pháp l ý thật rõ ràng trong việc phối hợp kiểm tra liên ngành, tránh tình trạng né tránh trách nhiệm, gây khó cho DN. Có như vậy mới tạo được niềm tin cho DN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo dddn