Kiến thức quản trị Lãnh đạo sự thay đổi trong ngành ngân hàng: 4 thách thức...

Lãnh đạo sự thay đổi trong ngành ngân hàng: 4 thách thức lớn của Việt Nam

31
Ngày 10/10, Viện nhân lực ngân hàng tài chính (BTCI) tổ chức Hội thảo thường niên – khu vực ASEAN với chủ đề ‘Lãnh đạo sự thay đổi’. 
Ảnh minh họa

Đúng 9h00 chương trình bắt đầu.
Tới tham dự chương trình có: ông Đào Minh Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng; bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng; bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng cho biết: với trọng tâm là ba khâu đột phá kinh tế, toàn đảng toàn dân đang thực hiện kế hoạch kinh tế và định hướng phát triển kinh tế 2016-2020. Trong thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP được cải thiện, dự kiến năm 2014 vẫn tiếp tục trên 5,6%, thị trường bất động sản ấm lên, nợ xấu được giảm, vốn đầu tư nước ngoài đều ổn định, tình trạng thất nghiệp giảm xuống,…
Tuy nhiên, nền kinh tế dù tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu, tiếp tục kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu còn nhiều việc phải làm để nhằm ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô.
“Để thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải nâng cao quá trình nguồn nhân lực. Việc tổ chức hội thảo với chủ đề lần này là hết sức cần thiết và hữu ích đối với ngành tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng” – ông Đào Minh Phúc nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hội thảo thường niên khu vực ASEAN do Viện nhân lực ngân hàng tài chính Việt Nam cùng tạp chí Ngân hàng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức diễn ra hàng năm luôn thu hút đông đảo các đại diện trong và ngoài nước tham gia.
Hội thảo lần này đề cập tới những vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm. Đó là, chủ đề “Lãnh đạo sự thay đổi”, nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của yếu tố con người – yếu tố quyết định thành công của các tổ chức. Hội thảo năm nay cũng sẽ tập trung làm rõ những vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm, đồng thời giúp cho ngân hàng các nước có thể trao đổi thông tin, kinh nghiệm.

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cũng cho biết, khảo sát trong báo cáo thường niên của VCCI hồi đầu năm cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã có niềm tin lớn hơn đối với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt với hệ thống ngân hàng. “Chúng tôi hiểu mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là phải cùng gắn bó với nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao để hai bên có thể cùng chuyển động, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính và của nền kinh tế” – bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực sát cánh cùng doanh nghiệp, thể hiện bằng việc ban hành Nghị quyết 19 và Chỉ thị 11 nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với các giải pháp cụ thể được đưa ra. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của ngành ngân hàng và doanh nghiệp. 

Thay đổi để dẫn đầu
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Douglas Jackson – Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group (BCG) cho biết: Ngày càng có nhiều yếu tố gây biến động thị trường khiến cho lợi thế doanh nghiệp càng khó giữ. Tính thiếu ổn định ảnh hưởng đến cả những ngành chúng ta không ngờ tới. Vị thế thống lĩnh thị trường ít tương quan với lợi nhuận hiện tại cũng như lợi nhuận trong tương lai.
Các công ty ngày càng khó thích nghi kịp thời với những thay đổi của môi trường kinh doanh do liên quan tới ngành. Biên giới giữa các ngành đã lu mờ do sự gia tăng của những khu vực thương mại khi Việt Nam tham gia vào ASEAN; sự gia tăng của những nỗ lực cạnh tranh toàn cầu từ những công ty mới thành lập hoặc phát triển và khoảng trống về năng lực toàn cầu khi châu Á đang thiếu nhiều giám đốc doanh nghiệp.
Ngoài ra, ranh giới giữa các ngành đang ngày càng bị xóa mờ bởi kỷ nguyên kỹ thuật số đang dần chiếm ưu thế. Ngày trước, các ngành phân biệt với nhau rất rõ ràng như bưu điện, ngân hàng… Nhưng hiện nay, người ta không chỉ bán nguyên điện thoại di động mà còn bán cả nhạc, phim, ngân hàng….
Việt Nam có 4 thách thức lớn: Thứ nhất, rủi ro của việc các ngân hàng mất các trung gian cung cấp sản phẩm và dịch vụ khi bùng nổ thương mại điện tử; Thứ hai, hội nhập khu vực diễn ra ngày càng nhanh chóng; Thứ ba, các công ty Global challenger từ các nền kinh tế phát triển nhanh ngày càng bỏ xa các công ty ở thị trường đã phát triển; Thứ tư, lực lượng nhân tài của khu vực không được chuẩn bị tốt cho toàn cầu hóa và môi trường hoạt động ngày càng phức tạp.
Ông Douglas Jackson cũng đưa ra 5 lợi thế rõ rệt với những công ty phát triển tốt trong điều kiện mới: – Phát hiện, nắm bắt và khai thác các xu hướng thông tin cho lợi thế thích ứng; – Quản lý và định hình các hệ thống kinh doanh một cách chiến lược cho lợi thế thích ứng; – Tận dụng bối cảnh xã hội và sinh thái mới cho lợi thế thích ứng; – Mô phỏng lợi thế thích ứng; -Thiết lập và quản lý bối cảnh con người cho lợi thế thích ứng.
Ông Douglas Jackson cho rằng, tìm kiếm và hình thành những động lực bứt phá trong ngành ngân hàng cần có sự cân bằng có chủ định giữa phong cách lãnh đạo “nhìn xa trông rộng”, chú trọng vào việc định hướng, kinh nghiệm và khôn ngoan, có xu hướng mới và sáng tạo…
“Phong cách lãnh đạo truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân đứng đầu. Do vậy, ngày nay, việc thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh đạo và đội ngũ nhân viên giúp nâng cao sự gắn kết một cách đáng kể, tạo ra thành tích vượt trội cho doanh nghiệp” – ông Douglas Jackson nhấn mạnh.
Xu hướng thay đổi phong cách lãnh đạo
Trong tham luận của mình, Tiến sĩ Mana Lohatepanont – Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á & Nam Á, Tập đoàn tư vấn quản trị Hay Group cho biết: có 6 đại xu hướng mới nhất về phát triển năng lực lãnh đạo. Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa 2.0. Quyền lực kinh tế dịch chuyển sang châu Á nhiều hơn và sự gia tăng của đối tượng trung lưu. Lãnh đạo phải là người có tư duy chiến lược và khả năng nắm bắt cao hơn do sự đa dạng của các bên liên quan và yêu cầu sự nhanh nhạy ngày càng cao của các tổ chức.
Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân và sự đa dạng về giá trị. Khi có thêm những người giai cấp trung lưu thì họ có nhiều lựa chọn hơn, vì họ dủng dỉnh tiền hơn và nhu cầu của họ không chỉ dừng ở 1 sự lựa chọn. Đối với một người lãnh đạo, cần phải tạo được sự trung thành với cá nhân người lãnh đạo để tạo sự gắn bó từ các đội, nhóm đặc thù có tính độc lập và linh hoạt cao; đồng thời, tạo được sự trung thành với tổ chức qua việc tăng cường sự phân quyền và tính linh hoạt.

Thứ ba, thay đổi về nhân khẩu học. Tới nay, dân số thế giới đã là 7 tỷ và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Đồng thời, mức dân số trung bình cũng già đi. Điều này làm cho các tổ chức ngày càng ít nhân lực, lực lượng lao động già đi. Vì vậy, lãnh đạo các tổ chức cần am hiểu, lãnh đạo và khuyến khích các nhóm nhân viên có sự khác biệt về tuổi tác, văn hóa và giá trị cá nhân; khuyến khích sự hợp tác và tinh thần đồng đội giữa các thế hệ và đa văn hóa; khuyến khích sự trung thành và sự cam kết giữa các nhóm làm việc đa dạng và cần phải đón nhận những phong cách lãnh đạo mới.
Thứ tư, ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu và môi trường. Đây là xu hướng chung của toàn cầu trong điều kiện môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm. Người lãnh đạo các tổ chức cũng cần có chính sách quan tâm tới môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và cần khuyến khích sự hợp tác của các đội, nhóm.
Thứ năm, phong cách sống và làm việc trong thời kỹ thuật số. Trong thời kỳ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ranh giới giữa đời sống riêng tư và đời sống cộng đồng đã không còn nữa. Nó đòi hỏi lãnh đạo cần phải công nhận những đóng góp trong thành công kinh doanh của lớp nhân viên “thế hệ số” và kiểm soát sự chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ với nhau.
Thứ sáu, tích hợp công nghệ. Ranh giới giữa các công nghệ đang dần trở nên mờ nhạt. Ranh giới về đạo đức trong phát triển công nghệ cũng đang gặp nhiều vấn đề. Đòi hỏi đặt ra đối với lãnh đạo là phải cởi mở với những ý tưởng mang tầm nhìn chiến lược, khuyến khích sự sáng tạo nhằm khám phá tiềm năng của sự tích hợp công nghệ.

Tiến sĩ Mana Lohatepanont cũng đưa ra những đặc điểm chính của lãnh đạo trong tương lai: Lãnh đạo phải có tư duy chiến lược; Phải chính trực, thành thực, sẵn sàng đón nhận ý kiến mới; Xây dựng sự trung thành – cá nhân và tổ chức; Có khả năng lãnh đạo đội nhóm đa dạng; Tinh thần đội nhóm thực sự trên cơ sở chia sẻ quyền lực bên trong cũng như bên ngoài tổ chức.

Năng lực lãnh đạo và tính liêm chính
Ông Mark Billington – Giám đốc Khu vực Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW) lại đặt vấn đề những thách thức đối với bộ phận tài chính trong ngành ngân hàng Việt Nam. Thách thức này được thể hiện trên ba phương diện: làm thế nào lựa chọn được người có quản trị tài chính tốt, là một nhân tài và có đạo đức, tính chính trực. Quản trị rủi ro cần phải kiểm soát được 3 vòng bảo vệ đó là chính sách, môi trường và tính độc lập.
Ông Mark Billington cho rằng, trên thế giới, nguồn nhân lực nhân tài đang hình thành nên một cuộc chiến để giành dật. Đây không chỉ là cuộc chiến toàn cầu mà còn là cuộc chiến trong khu vực. Bởi lẽ, sở hữu nhân tài tốt sẽ có được những sáng tạo trong tương lai. Việt Nam cũng không ngoại lệ trong xu hướng đó.

Theo ông, đối với ngành ngân hàng cần phải ‘bủa lưới’ rộng hơn để thu hút người tài không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Song song, cần có chính sách để giữ chân những người tài giỏi. Các ngân hàng cần phải thấy rằng, ngoài việc có chiến lược về phát triển kinh doanh còn cần có chiến lược phát triển nhân sự. Bên cạnh đó, cần tập trung các nhân tài có đạo đức, tức là ngoài điểm đầu tiên là vai trò lãnh đạo, người đứng đầu còn phải mang lại nguồn vốn và trí tuệ cho doanh nghiệp, đồng thời phải duy trì niềm tin và gắn kết các thành viên với nhau.

Tiêu chuẩn nghề ngân hàng
Ông Tay Kay Luan – Tổng Giám đốc Viện Đào tạo Nghề Ngân hàng Châu Á (AICB) lại đưa ra vấn đề tại Hội thảo là: Tiêu chuẩn nghề ngân hàng cần được kiểm định quốc tế trong bối cảnh Việt Nam gia nhập cộng đồng Kinh tế Châu Á 2015.
Theo ông Tay Kay Luan, một số thành viên của cộng đồng ASEAN còn có những khoảng trống về phát triển năng lực và khả năng. Trong những khoảng trống đó, quan trọng nhất là khoảng trống về con người, nhân lực. Do đó, điều đầu tiên là cần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực.

Quá trình phát triển nhân viên điển hình luôn tuân thủ nguyên tắc 70 – 20 – 10. Có nghĩa là:

 70% kết quả phát triển xuất phát từ việc học ngay trong quá trình làm việc, bao gồm những trải nghiệm phát triển như quản lý một dự án, phục vụ một tổ công tác gồm nhiều đơn vị chức năng khác nhau, đảm đương những trách nhiệm mới, luân chuyển công việc… 20% kết quả phát triển đến từ quá trình tương tác với những người khác. 10% kết quả có được là nhờ đào tạo, bao gồm đào tạo tập trung trên lớp, tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, postcard…

Cơ hội của Việt Nam với AEC
Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhìn tổng quan kinh tế thế giới, tăng trưởng toàn cầu đi vào một quỹ đạo thấp, đặc biệt là Trung Quốc đã bước sang giai đoạn tăng trưởng chậm lại trong trung hạn. Các vấn đề về thương mại toàn cầu không có cải thiện đáng kể. Dòng vốn toàn cầu có khuynh hướng cải thiện sau đợt suy thoái 2008-2012, nhưng cải thiện chậm. Tiếp tục hội nhập kinh tế toàn cầu vẫn là một khuynh hướng chủ đạo. Xung đột tại các khu vực tiềm tàng nhiều rủi ro, chưa có hướng giải quyết rõ ràng trong trung hạn. Vai trò của Mỹ bị thách thức. Điều này khiến giá nguyên liệu không có xu hướng giảm, và ẩn chứa nhiều rủi ro trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam: Việt Nam vẫn là nước có năng suất thấp trong khu vực, môi trường kinh doanh cũng chưa có nhiều cải thiện. Nhìn dưới góc độ một số chỉ tiêu cơ bản cho thấy, lạm phát giảm nhiều từ năm 2011-2014, chỉ số công nghiệp có dấu hiệu đi lên rất nhẹ song so với thời điểm trước khủng hoảng là chưa bằng; chỉ số nhà quản trị mua hàng có sự thu hẹp, vốn vào Việt Nam cũng không nhiều, chỉ số chứng khoán có xu hướng tăng, lãi suất điều hành giảm. Nợ tăng rất nhanh từ 200 nghìn tỷ đến gần 800 nghìn tỷ, tín dụng nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Các khu vực hội nhập của Việt Nam gồm: Khu vực thứ nhất là ASEAN +1s bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Brunei. Khu vực ASEAN cho phép lao động chất lượng cao được di chuyển giữa các nước. Khu vực thứ hai là TPP bao gồm Mỹ, Úc, NZ, Peru, Chile. Xu hướng này đang tạo môi trường cho Việt Nam hội nhập sâu hơn ra thị trường quốc tế. Điều này cũng đòi hỏi cao đối với năng lực lãnh đạo của ngành tài chính nói riêng và lãnh đạo các ngành nói chung.
Cơ hội của Việt Nam với AEC đó là bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước; nâng cao tính minh bạch, giảm bớt thời gian cho thủ tục xuất nhập khẩu; thuận lợi trong việc hưởng ưu đãi thông qua cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép tự chứng nhận xuất xứ; thu hút FDI từ các nước ASEAN cũng như các đối tác ngoài ASEAN; tham gia quá trình phân công lao động, hợp tác liên kết sản xuất với các doanh nghiệp thuộc các nước ASEAN; động lực thúc đẩy tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu sản xuất, phương hướng kinh doanh.

Theo ông Thành, thách thức với nền kinh tế đó là cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ. Yêu cầu về chất lượng hàng hóa, phương thức kinh doanh ngày càng cao, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bàn chủ tọa
Ngay sau phần tham luận của các diễn giả, phần tọa đàm đã được tổ chức với các diễn giả: Bà Đàm Bích Thủy – Trưởng Đại diện Ngân hàng Quốc Gia Úc tại Việt Nam; ông Douglas Jackson – Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Quản trị BCG; Tiến sĩ Mana Lohatepanont – Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á & Nam Á, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Hay Group; ông Mark Billington – Giám đốc Khu vực Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW); ông Tay Kay Luan – Tổng Giám đốc Viện Chuyên gia Ngân hàng Công chứng Châu Á (AICB); ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông K. Balasingam – Tổng Giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI).

Hầu hết các câu hỏi đặt ra với các diễn giả là vai trò lãnh đạo sự thay đổi được thể hiện như thế nào. Thông thường lãnh đạo trong thời kỳ thay đổi thì khả năng quan trọng nhất là đoán được những điều xảy ra trong tương lai gần. Tại Việt Nam, tái cơ cấu là cấp thiết. Vậy người lãnh đạo phải làm thế nào để triển khai chính sách đó liên tục và đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của bối cảnh.

Đại biểu đặt câu hỏi
Ông Tay Kay Luan cho rằng rất khó để dự đoán tương lai. Chúng ta chỉ có thể dự báo thông qua sự phân tích những tác động trong bối cảnh toàn cầu. Dù cho người lãnh đạo làm lâu năm trong ngành ngân hàng thì việc đoán trước tương lai cũng khó có thể làm được.

Theo ông, điều quan trọng là những nhà lãnh đạo cần phải có tầm nhìn, dự báo trên những tác động của chính sách và việc thực thi những chính sách đó ở doanh nghiệp của mình.

Về xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, các diễn giả đều dự báo sẽ có rất nhiều thay đổi như lĩnh vực Internet banking. Ngành ngân hàng từ khi hình thành đã hoạt động theo cơ chế gửi tiền, song ngày nay, đã có rất nhiều loại hình kinh doanh khác như cho vay, các gói dịch vụ và sản phẩm kinh doanh riêng biệt. Đây là xu hướng sẽ phát triển mạnh trong tương lai của ngành ngân hàng.

Đối với chính sách vĩ mô của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, quan trọng nhất là phải cải cách từ khu vực Nhà nước rồi đến các khu vực tư nhân. Chính sách này tương đối lâu dài và liên tục đòi hỏi phải kiên trì. Với cải cách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các nhóm giải quyết vấn đề nợ xấu, liên quan đến thể chế, chế tài trong thị trường tài chính cần được xem xét để làm sạch hóa hệ thống ngân hàng, cải cách môi trường pháp lý trong hệ thống ngân hàng.

Theo dddn