Kiến thức quản trị Nâng cao năng lực cạnh tranh: “Rào” cao mấy cũng phải vượt...

Nâng cao năng lực cạnh tranh: “Rào” cao mấy cũng phải vượt (kỳ cuối)

15
Thủ tướng đã rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực quan trọng như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng… hay phí và phí “bôi trơn”. Trao đổi với DĐDN, LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) cho rằng, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã trở nên rất bức bách.

Ảnh minh họa

Theo LS Trần Hữu Huỳnh, với xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, việc đặt phát triển của mình trong tương quan của khu vực và thế giới là điều buộc phải đặt ra.
– Như vậy, đây là thời điểm buộc chúng ta phải cải cách quyết liệt hơn, thưa ông?
Đúng vậy! Từ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đến cải cách hành chính và đến cải cách thể chế đều phải tiến hành thật mạnh mẽ. Sau gần 30 năm, nguồn lực đổi mới đã cạn, chúng ta cần có những động lực mới, nguồn lực mới hay giải pháp mới để có những thay đổi cơ bản.
Mặc dù, thời gian vừa qua, chúng ta đã khởi xướng nhiều chương trình cải cách nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả của các chương trình này còn rất khiêm tốn. Rất nhiều chỉ số nghiên cứu cả trong và ngoài nước như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số môi trường kinh doanh của World Bank hay chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đều cho thấy sự chậm tiến, gần như không có sự thay đổi trong mô hình phát triển.
Những cải cách trên của Chính phủ sẽ nhanh chóng tác động tích cực đến người dân và DN

Mặt khác, Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực. Những vấn đề như cạnh tranh bình đẳng, quyền tự do kinh doanh hay vai trò hỗ trợ của nhà nước trong phát triển sản xuất kinh doanh… đã được quy định khá đầy đủ trong Hiến pháp. Rất nhiều luật đang được triển khai sửa đổi theo tinh thần của Hiến pháp như Bộ Luật Dân sự, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật quản lý vốn của Nhà nước tại DN… Tất cả những cơ chế pháp lý trên cùng với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về doanh nhân sẽ là tiền đề cho sự phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong Hiến pháp, vai trò của Nhà nước về kiến tạo, hỗ trợ phát triển được thể hiện rất rõ. Như vậy, việc cải cách TTHC, cải cách hành chính, cải cách thể chế cần được tiến hành quyết liệt để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, của DN, của cả nền kinh tế VN. Hơn nữa, đòi hỏi về nâng cao năng lực cạnh tranh này càng trở nên cấp bách, khi nền kinh tế của chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
– Những vấn đề Thủ tướng cùng Chính phủ chú trọng cải cách TTHC như thuế, hải quan, xây dựng, gia nhập thị trường, phí và phí bôi trơn… sẽ tác động ra sao tới việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia?
Những cải cách trên của Chính phủ sẽ nhanh chóng tác động tích cực đến người dân và DN. Nó sẽ giúp người dân và DN tiết kiệm chi phí, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục. Đồng thời nó cùng từng bước đẩy nhanh tiến trình công khai, minh bạch các thủ tục cũng như hoạt động hành chính công. Vấn đề trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cũng được đặt ra với một thông điệp rõ ràng.
Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả là lần đầu tiên chúng ta đã đặt mình trong mối tương quan phát triển của khu vực và thế giới. Chúng ta đã đặt ra một mục tiêu khá rõ ràng và phù hợp đó là cải thiện các chỉ số để đạt mức độ trung bình của khu vực ASEAN. Một mục tiêu vừa phải sẽ giúp chúng ta có động lực để phấn đấu. Nếu cao quá sẽ khó đạt và dẫn đến nản lòng.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì còn cần rất nhiều nỗ lực. Những cải cách trên mới chỉ mang tính chất bề nổi, chỉ động chạm tới một vài vấn đề. Trong khi đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hòa của rất nhiều vấn đề sâu rộng. Nó báo gồm 14 trụ cột với khoảng 140 chỉ số thành phần, để cải cách các trụ cột này đòi hỏi nỗ lực vô cùng lớn của các đất nước. Nhưng có khó khăn đến mấy thì đây cũng là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi.
– Từ việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia đến vấn đề độc lập và chủ quyền kinh tế quốc gia, theo ông, hai nội dung này có quan hệ với nhau ra sao?
Đương nhiên hai vấn đề trên có quan hệ gắn bó với nhau. Một quốc gia mà yếu về năng lực cạnh tranh thì sẽ yếu về kinh tế. Khi yếu về kinh tế thì không thể nói đến cả chuyện độc lập hay chủ quyền kinh tế. Không nhất thiết phải là to mới là mạnh. Điều quan trọng nhất là năng lực cạnh tranh của mỗi nền kinh tế phải mạnh thì quốc gia mới mạnh cả về kinh tế và tinh thần, mới có thể xây dựng được cơ sở vững chắc để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của riêng mình.
– Theo ông, việc triển khai chủ trương của Chính phủ liệu có gặp vướng mắc gì từ những cơ quan thực thi?
Bất kỳ cuộc cải cách nào đều gặp phải khó khăn, đều gặp lực cản từ cái cũ. Những cá nhân, tổ chức có những nguồn lợi gắn chặt với mô hình cũ, cơ chế cũ sẽ cố gắng tìm cách ngăn cản cái mới được hình thành là điều đương nhiên sẽ xảy ra. Cổ phần hóa DNNN là một minh chứng.
Do đó, chúng ta cần phải cùng lúc có nhiều giải pháp cả tinh thần, vật chất lẫn hỗ trợ từ bên ngoài như sự ủng hộ của xã hội, của cộng đồng đối với những cải cách, đổi mới. Chúng ta cần làm tốt toàn diện để những cá nhân, tổ chức tự nguyện chấp nhận cải cách, nếu để chống đối thì sẽ làm chậm tiến trình hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.
Đề làm được điều này, chúng ta cần tạo điều kiện để những tiến bộ hiện nay làm cơ sở để cái mới được hòa nhập. Ví dụ, cải cách TTHC sẽ khiến nhiều cán bộ công chức dư thừa. Vậy phải giải quyết chế độ cho họ, tạo thêm công ăn việc làm mới chứ không thể đẩy họ ra ngoài được. Hay vấn đề khác là cải cách DNNN thì chúng ta phải thúc đẩy để DN tư nhân phát triển, tiếp quản lao động dôi dư…
– Cộng đồng DN cần phải làm gì để ủng hộ chủ trương trên, thưa ông?
Năng lực cạnh tranh của mỗi nền kinh tế phải mạnh thì quốc gia mới mạnh cả về kinh tế và tinh thần, mới có thể xây dựng được cơ sở vững chắc để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của riêng mình.
Vai trò và trách nhiệm của DN, doanh nhân đã được quy định rất rõ ràng trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Quyền của DN, doanh nhân cũng được thể hiện rõ ràng và cụ thể trong Hiến pháp, Luật DN, Luật Đầu tư. DN, doanh nhân ngoài việc phát triển kinh tế cần phải hiểu và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc phát triển chung của đất nước. DN, doanh nhân là người trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách cải cách, đổi mới. Qua thực tiễn hoạt động của mình, họ có thể tìm ra những bất cập, những rào cản để kiến nghị sửa đổi. Thậm chí họ có thể sáng tạo ra những cái mới tốt hơn, phù hợp hơn rồi kiến nghị đưa vào chính sách.
Nhìn chung, DN, doanh nhân cần chủ động tham gia với Chính phủ, với nhà nước trong việc xây dựng, kiến tạo nên một năng lực cạnh tranh quốc gia mạnh. Thụ động, ngồi chờ chính sách được ban hành rồi phê phán, kêu ca là một cách làm cũ đã lỗi thời. Bằng nguồn lực, bằng trí tuệ của mình, DN, doanh nhân cần là những người tiên phong không chỉ trong công cuộc phát triển kinh tế mà còn là việc xây dựng thể chế. Dự thảo luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật đang ghi nhận vai trò của DN, doanh nhân theo hướng này.
– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dddn