Kiến thức quản trị Cổ đông chiến lược sẽ đóng góp gì cho Vinatex?

Cổ đông chiến lược sẽ đóng góp gì cho Vinatex?

20
Thông qua đấu giá, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bán gọn 24% cổ phần chiến lược (tương ứng 120 triệu cổ phần) cho 2 tập đoàn tư nhân có tiếng là Vingroup và VID. Hai nhà đầu tư chiến lược này sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Vinatex sau cổ phần hóa (CPH)?
Ảnh minh họa

Chỉ 3 ngày trước phiên đấu giá cổ phần lịch sử của Vinatex, tại trụ sở tập đoàn này đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng mua bán 24% cổ phần chiến lược với 2 công ty. Một là Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (mã: VIC) đã mua 50 triệu cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ Vinatex. Hai là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) mua 70 triệu cổ phần, chiếm 14% vốn điều lệ.
Tỷ phú đô la “lấn sân” dệt may
Căn cứ theo mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 11.000 đồng/cổ phiếu, thì 2 doanh nghiệp này sẽ phải chi ra tối thiểu 1.320 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinatex. Còn thực tế, giá trị thương vụ mua cổ phần này là bao nhiêu vẫn chưa được các bên liên quan tiết lộ.
Dù vẫn còn 10% cổ phần bị ế, nhưng đợt IPO của Vinatex đã được cho là thành công, nhất là chọn được nhà đầu tư chiến lược có tên tuổi. Hiện, cả Vingroup và VID đều là tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, hoạt động đa ngành và có vị thế trong mảng đầu tư bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư tài chính – ngân hàng, bán lẻ…
Gần đây, cả Vingroup và VID gây chú ý khi cùng góp mặt trong một số hoạt động đầu tư, dự án có quy mô lớn, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Vingroup đã chuyển nhượng lại một phần tài sản tại dự án Vincom Đống Đa (Hà Nội) cho một ngân hàng thuộc sở hữu của Tập đoàn VID. Nhưng, lựa chọn hợp tác đầu tư của Vingroup với VID trong thương vụ mua cổ phần Vinatex lần này cũng gây không ít tò mò.
Tại thời điểm ký hợp đồng mua 10% cổ phần Vinatex, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng là cổ đông cá nhân có sở hữu lớn nhất tại Vingroup – nắm giữ 423,23 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 30,16%. Đến ngày 29/9/2014, tỷ lệ sở hữu của ông Vượng đã giảm 0,3%, xuống còn gần 29,8% vốn của Vingroup do tập đoàn thực hiện phát hành thêm 16,98 triệu cổ phiếu (phục vụ chuyển đổi số trái phiếu quốc tế thành cổ phần tăng vốn).
Đồng thời, ông Vượng còn sở hữu trên 50% vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Nam – cổ đông tổ chức sở hữu 12,68% vốn điều lệ Vingroup (180,14 triệu cổ phiếu VIC). Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) sở hữu 5,14% vốn Vingroup. Tính chung, tổng sở hữu của ông Vượng và người liên quan tại Vingroup lên tới 47,62% vốn điều lệ. Trong tư cách nhà đầu tư chiến lược và với tỷ lệ sở hữu, ông Vượng hẳn sẽ là “cổ đông cá nhân quyền lực” của doanh nghiệp dệt may lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, nhà đầu tư thứ hai là Tập đoàn VID – có sở hữu cổ phần lớn của một số lãnh đạo chủ chốt. Với tỷ lệ sở hữu tới 14% vốn Vinatex, chưa rõ VID sẽ cử đại diện nào tham gia vào HĐQT Vinatex trong khi chờ đến Đại hội cổ đông lần thứ nhất bầu ra.
Cổ đông chiến lược đóng góp được gì
Theo phương án CPH được phê duyệt, Vinatex được phép chọn tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, gồm: 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính và 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng dệt may. Vinatex cũng xác định rõ các tiêu chí tiên quyết đối với nhà đầu tư chiến lược như: sở hữu công nghệ, thị trường, thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu; Sở hữu hệ thống phân phối đến người tiêu dùng hoặc đến các nhà phân phối lớn tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; hoặc sở hữu các thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược cần có năng lực tài chính mạnh và có chiến lược song hành dài hạn với ngành sản xuất dệt may.
Xét theo các tiêu chí này, câu hỏi đặt ra là trong vai trò nhà đầu tư/cổ đông chiến lược, Vingroup và VID sẽ đóng góp những gì cho Vinatex sau CPH. Mà cụ thể là về các mặt: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Như trường hợp Vingroup, mặc dù là doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và vị thế tốt ở lĩnh vực bất động sản, thương mại, nhưng Vingroup lại chưa hề có tên tuổi trong lĩnh vực dệt may (dù mới đây, đã góp vốn thành lập 1 công ty về thời trang). Trong khi, chiến lược phát triển của Vinatex sau CPH đặt trọng tâm vào phát triển sản xuất (dệt, may), mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, nâng cao vị thế, thương hiệu. Danh mục các dự án đầu tư trọng điểm của Vinatex cũng đều là dự án xây dựng nhà máy sản xuất dệt, may, nhuộm.
Dù không có thế mạnh về dệt may, nhưng VID – với việc sở hữu ngân hàng Maritime Bank có thể hỗ trợ về nguồn tài chính cho Vinatex để đầu tư dự án, vốn nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may… Song, lượng vốn cấp cho tổ chức có liên quan đến cổ đông của ngân hàng vẫn phải tuân thủ giới hạn tín dụng hay đầu tư trái phiếu theo quy định.
Bước đầu CPH Vinatex cơ bản đã đạt được yêu cầu của Chính phủ khi thực hiện bán cổ phần, thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược. Ở giai đoạn sau, như kỳ vọng của ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Vinatex về các cổ đông chiến lược “sẽ cùng đưa Vinatex sau CPH vươn xa và trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu” thì còn chờ kết quả thực tế.

Theo Thời báo Kinh doanh