Sếp sẽ làm gì nếu nhân viên…

Làm sếp kể ra cũng oai thật đấy, song chẳng dễ đâu. Nếu bạn là sếp, bạn sẽ xử sự thế nào khi bắt gặp nhân viên trong các tình huống dưới đây? 

Ảnh minh họa


Chat hoặc chơi games? 
Nếu mọi người chỉ tranh thủ 5 đến 10 phút để thư giãn thì không sao. Đằng này, màn hình máy tính luôn tràn ngập những trò chơi hiện đại. Chưa hết, nhân viên của bạn còn “tán dóc” say sưa với một “người ngoài hành tinh” nào đó, hoặc check và trả lời email cá nhân vô tội vạ. 
Tất cả những điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc: Thời gian của công sở bị “đánh cắp”, nhân viên không phát huy hết năng lực, gây “ách tắc” giao thông trên mạng… 
Bạn có thể nói chuyện thẳng thắn với nhân viên, chấp nhận cho họ được thư giãn nhưng chỉ 10-15 phút mỗi ngày. Hãy cho họ biết rằng bạn cũng rất thích chơi games, nhưng vì trách nhiệm công việc nên bạn không bao giờ làm điều đó nơi công sở. 

Ngủ gục? 
Nhiều người hễ bắt đầu làm việc là buồn ngủ! Vô tình bạn bắt gặp nhân viên đang “khò khò”. Phải làm sao đây? 
Hãy nói nhân viên xin nghỉ nếu quá mệt vì làm việc với một tinh thần ủ dột cũng chẳng có hiệu quả. Khuyên họ nên biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi ở nhà hợp lý. Bạn cũng nên hỏi họ và tự đánh giá xem, bạn có giao cho họ quá nhiều hay quá ít công việc không. 
Ngoài ra, biết tạo ra một không khí làm việc hứng khởi cho nhân viên cũng giúp họ đỡ buồn ngủ hơn. 

Ăn uống và bày bừa thức ăn lên bàn làm việc? 
Nhiều nhân viên văn phòng thường vừa làm việc, vừa nhấm nháp ăn sáng, vì vậy trên bàn làm việc lúc nào cũng có cả đống vỏ, túi nylon và mùi vị khác nhau. Có người còn dự trữ rất nhiều “lương khô chống đói” trên mặt bàn. 
Bạn đừng cấm nhân viên ăn, phải có ăn họ mới có sức làm chứ. Nhưng bạn cũng nên khuyên họ dậy sớm, đi ăn sáng trước khi đến cơ quan để thời gian làm việc không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, yêu cầu họ ăn xong phải dọn ngay “chiến trường”, tránh làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm văn phòng. 

Dùng thời gian công sở vào việc cá nhân? 
Bạn bắt gặp nhân viên đang mải “tán” với đồng nghiệp về quần áo, giày dép hay tình yêu… Có cô lại đang soi gương, chải đầu, dũa móng tay, trang điểm… Thậm chí, có người còn ngồi viết thư tình rồi khóc hu hu, nấu món “mầm đá” trên điện thoại. 
Đừng vội lớn tiếng với họ, có thể do công việc quá ít chăng? Bạn có tạo cho nhân viên thói quen khẩn trương hoàn thành công việc không, hay bạn thường chỉ giao việc mà không kiểm tra, không nghiệm thu. Có thể bạn đã vô tình để nhân viên có quá nhiều thời gian rỗi, tất nhiên họ sẽ làm việc cá nhân vì việc công chẳng có gì. 
Hãy tạo cho nhân viên niềm đam mê làm việc, cùng họ họp hành, hoạch định, phấn đấu, lôi họ vào guồng xoáy phát triển của công ty, chắc chắn bạn sẽ chỉ toàn bắt gặp những nhân viên đang say mê cùng công việc. 

Cãi vã và lớn tiếng với nhau? 
Chuyện này thường xảy ra ở những cơ quan có nhiều nhân viên nữ. Khi bắt gặp cảnh này trong công ty của bạn, tốt hơn hết bạn đừng vội đứng nghiêng về “phe” nào. Trước hết hãy giúp họ hạ hỏa, chấm dứt cãi cọ. Sau đó, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân, trao đổi thẳng thắn với cả hai bên. 
Nếu họ cãi nhau vì chuyện riêng, hãy lưu ý họ đây là cơ quan. Nếu là vì công việc, bạn hãy nghiên cứu kỹ và đưa ra một phán xét công bằng. Nhớ là bạn đang là một ông sếp công minh, đừng thiên vị cho bên nào nhé.