Một thuyền trưởng bất tài nếu không vạch được hải đồ hợp lý cho con tàu. Một giám đốc kém cỏi nếu không biết cách điều hành hiệu quả một công ty. Vì vậy, những trường học dành cho giám đốc đã ra đời, để giúp họ lèo lái con tàu doanh nghiệp cập bến thành công.
Ảnh minh họa
Trong quan điểm của không ít doanh nghiệp, để canh tranh hiệu quả, điều quan trọng hơn hết là nắm bắt và vận dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm (hoặc dịch vụ) với chất lượng cao nhất. Điều này sẽ gây thiện cảm cho người tiêu dùng hoặc khách hàng và nếu chất lượng tốt, thương hiệu sẽ mạnh, lợi nhuận chắc chắn sẽ tăng. Song, công nghệ không phải là kỹ năng duy nhất mà một công ty cần phải có. Nhiều trường hợp công ty nội địa tuy có sản phẩm tốt nhưng không thể thâm nhập thị trường nước ngoài, và không đáp ứng được những đòi hỏi trong đơn đặt hàng của đối tác.
Thuyền trưởng cho mỗi con tàu doanh nghiệp
Ngày nay, một vài công ty nội địa đang trên đà mở rộng hoạt động. Vì vậy, tính hiệu quả và đồng bộ là điều quan tâm đặc biệt và cần thiết khi mở rộng quy mô. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng làm cho nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và thử thách. Thực tế, một doanh nghiệp doanh nghiệp có thể thành công bước đầu nếu có công nghệ và kỹ năng vận hành công nghệ hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đã đủ những kỹ năng để tự phát triển trong một quy mô rộng lớn. Điều dễ hiểu, một kỹ sư giỏi và một nhà quản lý giỏi không bao giờ song hành.
Nếu ví doanh nghiệp như con tàu lênh đênh trên biển thì mỗi doanh nghiệp Việt cần phải có một thuyền trưởng tài ba để chèo chống con tàu qua cơn bão biển. Hiện nay, doanh nghiệp Việt ngày càng có quy mô lớn hơn. Đó là kết quả tất yếu của việc nhiều doanh nghiệp Nhà nước lớn được cổ phần hóa bên cạnh sự phát triển có hệ thống của công ty tư nhân thế hệ đầu tiên. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ cũng đang vươn sức để trở thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai. Và tất cả các chủ doanh nghiệp đều nhận định, con thuyền to sẽ gây nhiều khó khăn cho người cầm lái.
Xu hướng mở rộng quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam là kết quả của việc gia tăng cổ đông và phân chia nhỏ quyền sở hữu cũng như chức năng quản lý trong doanh nghiệp. Người lãnh đạo các công ty như vậy sẽ không phải là người chủ sở hữu doanh nghiệp. Thay vào đó, có thể là những cá nhân có phần hạn vốn trong công ty với tư cách nhà đầu tư độc lập. Những nhà đầu tư này nắm rõ quyền lợi cổ đông của họ và sẽ tìm kiếm sự bảo đảm về quyền lợi này trong các công ty mà họ muốn đầu tư. Ngược lại, họ có nghĩa vụ cung cấp vốn cổ phần cho doanh nghiệp mà họ đã chọn, để mở rộng quy mô.
Khi việc hợp tác này được thực hiện, ban giám đốc của công ty sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các hoạt động, quản lý. Ban giám đốc gồm các thành viên là những cá nhân hay cổ đông trong công ty. Thật sự, họ được ví như thuyên trưởng của một con tàu, làm sao để tàu luôn tìm được những bến đỗ mới và giữ cho tàu thoát khỏi những con nước nguy hiểm. Quan trọng nhất là không được để tàu chìm.
Kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm là hai điều quan trọng cho vị thuyền trưởng và ban giám đốc. Một thuyền trưởng bất tài nếu không thể vạch được hải đồ hợp lý cho con tàu. Một giám đốc doanh nghiệp kém cỏi nếu không biết cách điều hành hiệu quả một công ty. Và tiếc thay, những kinh nghiệm đó lại rất thiếu trong các DN VN hiện nay. Thiết nghĩ, cần phải đầu tu nhiều thời gian để phát triển nguồn nhân lực quản ly giàu kỹ năng và kinh nghiệm, từ đó mới có thể giúp các doanh nghiệp vững tin mở rộng quy mô.