Marketing Phương thức “sóng ngược” của Vietjet Air

Phương thức “sóng ngược” của Vietjet Air

50
Thử google với cụm từ khóa “Vietjet Air” + “ảnh bikini”, chỉ sau 0,20 giây, sẽ có 343.000 kết quả được trả về đủ thấy sức nóng của hãng hàng không này.
Học tập… thế giới?
Ảnh minh họa

Sau khi bộ ảnh dàn chân dài của ông bầu Vũ Khắc Tiệp với người mẫu Ngọc Trinh dẫn đứng chủ “bị rò rỉ”, gần như ngay lập tức nó đã trở thành một đề tài hot trên mạng Internet. Người chê rất nhiều, người khen cũng không thiếu (mặc dù, vì nhiều lý do chỉ là những lời khen… thầm). Những lời nhận xét theo “không hợp thuần phong mỹ tục”, “khoe da thịt”, “lố lăng”… chen lẫn bên những câu bình phẩm kiểu “ước gì mình được là phi công”, hay “nếu Vietjet Air dùng dàn tiếp viên này, tôi sẽ đi máy bay đi làm”, rồi “nhái” thế giới… Và cứ thế, những bài viết được “rò rỉ” từ những trang tin điện tử được dẫn link qua facebook cá nhân của những người nổi tiếng của rất nhiều người… chưa nổi tiếng. Được bình luận, được chia sẻ, được… lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet…
Không biết Vietjet đã hành động vô tình hay cố ý nhưng “Ai cũng đua nhau nhắc đến tên của Vietjet Air khi bình phẩm về các cô người mẫu. Đúng ý Vietjet Air quá còn gì” – ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu Công ty Richard Moore Associations bình luận.
Bất chấp việc đại diện Vietjet Air lên tiếng rằng đó không phải là chiến lược truyền thông của hãng này và sau đó cả ông bầu chân dài Vũ Khắc Tiệp cũng đăng đàn để khẳng định rằng bộ ảnh đang gây bão trên mạng chỉ là hình ảnh hậu trường bị rò rỉ, không phải hình ảnh chính thức thì cả hai lời đính chính này đều có tác dụng như dầu đổ thêm vào lửa. Người ta quay chuyển từ bình luận về bộ ảnh qua dò đoán xem liệu đây chỉ là những hình ảnh bị rò rỉ thì bộ ảnh chính thức… sẽ còn hot tới cỡ nào? Và cứ thế, câu chuyện tiếp tục được “nuôi” một cách khéo léo trong sự tò mò của những “cư dân mạng”.
Nhưng, nếu bỏ qua những định kiến đạo đức, xét về cơ bản, về giá trị thông tin, về mục đích truyền thông thì hãng hàng không này và ý tưởng chụp bộ ảnh bộ ảnh gây sốc đã thực sự thành công.
Lợi hại như thường
Cho dù dư luận có thế nào, cũng nên có một cách nhìn khác về vụ việc này. Cái nhìn công bằng hơn về bức tranh trong ngành hàng không Việt Nam. Có người đã đem ví Vietnam Airlines như một công tử lớn tuổi, dù gần 60 tuổi vẫn có chút nào đó dựa dẫm vào “bầu sữa mẹ”. Còn VietJet Air được ví như một hotgirl vị thành niên đương tuổi thích selfy câu like… tuy nhiên lại rất tự lập, không dựa dẫm. Cùng theo đó là những đặc điểm riêng của những khách hàng của hai hãng hàng không này. Đối với Vietnam Airlines, khách hàng là những “thương gia” ở hạng Business Class, hình ảnh phải đẳng cấp tương ứng với giá tiền. Còn VietJet Air thì lại nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ và những người tính cách hòa đồng vui vẻ là chính, những người thích sử dụng tiền bạc một cách thông minh và thích chi phần lớn những khoản tiền của mình cho việc đi du lịch, mua sắm… Chính vì vậy, nếu đem tư duy truyền thông, cái nhìn vốn dành cho những hình ảnh truyền thống từ trước tới giờ của Vietnam Airlines để áp cho Vietjet Air là một cách làm, cách nghĩ sai lầm.
Nhân tiện, nói về hiệu quả của truyền thông, nếu ai có trí nhớ tốt một chút, chắc hẳn đều nhớ tới chiến dịch quảng cáo “liên quan” tới Vietjet Air được thực hiện 2 năm trước. Nhân dịp khai trương đường bay đến thành phố biển Nha Trang, VietJet Air đã để tiếp viên và một số người đẹp của cuộc thi hoa khôi Miss Ngôi Sao 2012 nhảy múa tặng quà cho hành khách trên máy bay. Vụ việc này cũng đã từng gây bão trên mạng internet vào thời điểm đó. Và cuối tháng 8 vừa rồi, tại lễ sơ kết 7 tháng đầu năm 2014, VietJet Air báo cáo đã thực hiện hơn 18.500 chuyến bay an toàn, vận chuyển gần 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt hơn 3.800 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 350 tỷ đồng. Những con số ấn tượng này, ai dám nói không có công của những chiến dịch truyền thông kia?

Theo dddn