Quản lý nhân viên đi làm muộn

Tại Nhật Bản, một số khảo sát gần đây cho thấy nền kinh tế nước này đã mất khoảng 30 tỷ USD mỗi năm vì nhân viên ngủ gật trong giờ làm việc! Tuy chưa có thống kê cụ thể nào về những thiệt hại cho doanh nghiệp do việc đi làm muộn của nhân viên, nhưng chắc chắn sẽ là con số rất lớn. Hạn chế đến mức thấp nhất việc nhân viên đi làm không đúng giờ quy định luôn là vấn đề đáng quan tâm của các nhà quản lý.

Ảnh minh họa


Đi muộn: phong cách thiếu chuyên nghiệp 
“Ở các nước Tây Âu, ví dụ như ở Đức, nơi tôi đã có dịp đến, thái độ làm việc của nhân viên trong các văn phòng, doanh nghiệp là cực kỳ chuyên nghiệp. Buổi sáng, họ ăn nhẹ và luôn đến nơi làm việc đúng giờ, làm đến tận chiều và hầu như rất ít người ăn trưa. Niềm vui của họ chính là ở hiệu quả công việc. 
Còn ở ta, không thể vơ đũa cả nắm nhưng ở nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm theo kiểu đối phó, được chăng hay chớ, nhất là đi muộn. Liên tục đi muộn là điều khó có thể chấp nhận trong môi trường lao động ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp như hiện nay” – chị Đoàn Thu Ba, Giám đốc Công ty Thanh Bắc Đông Dương đã cho biết như vậy khi chúng tôi hỏi về cảm nhận của chị qua những chuyến đi ra nước ngoài xúc tiến thương mại. 
Đồng tình với quan điểm của chị Thu Ba, anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty phần mềm FPT (Fsoft) nói: “Đi làm không đúng giờ không những thể hiện thái độ thiếu chuyên nghiệp mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả lao động. Tiến độ công việc bị chậm lại sẽ kéo theo những thiệt hại mà nhiều khi doanh nghiệp khó nhìn thấy”. 
Anh Hồ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Phú Thành thì nhận xét: “Nhân viên họ hoàn toàn hiểu được là đi làm muộn sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với công việc chung, nhưng không phải ai cũng có thái độ tích cực trong việc này. Ở Công ty Phú Thành, nếu nhân viên nào đi muộn nhiều quá, tôi sẵn sàng cho thôi việc”. 

Những thiệt hại khó đong đếm 
Thử làm một phép tính đơn giản: cứ mỗi năm nhân viên đi muộn, doanh nghiệp thại hại 10.000đ thì với những doanh nghiệp khoảng 1.000 người, thiệt hại sẽ lên tới 10.000.000đ. Nếu như tình trạng nhân viên đi làm muộn diễn ra triền miên, ai có thể thống kê nổi con số thiệt hại này? Đó là chưa kể đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp sẽ trở nên “mất điểm” trong con mắt của khách hàng. 
Chẳng hạn như việc một doanh nghiệp hẹn giao hàng sau 3 ngày. Nhưng do nhiều nhân viên đi làm muộn, không làm đúng tiến độ, việc giao hàng phải lùi lại 3 ngày nữa. Nếu cứ để tình trạng đó diễn ra ngày này qua ngày khác, ai còn dám đến doanh nghiệp đó để tiếp tục đặt hàng? Trong khi trên thương trường, có hàng trăm các doanh ngiệp cùng lĩnh vực có thể giao hàng chỉ trong 2 ngày, thay vì 6 ngày như đã nói ở trên. 

Quản lý bằng cách nào? 
“Tôi cho thôi việc ngay lập tức. Cơ quan thì phải có kỷ luật, và nó không gống như cái chợ, muốn đến lúc nào cũng được” – anh Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Hoàng Hà bức xúc. Có khá nhiều doanh nhân cùng chung quan điểm này với anh Nguyễn Văn Hà. 
Tuy nhiên, vẫn có một số người có cách “xử lý” mềm dẻo hơn. Chị Nguyễn Thị Minh Hoà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Miền Bắc nói: “Trên thực tế thì không phải ngẫu nhiên mà nhân viên lại thường xuyên đi làm muộn. Cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Có thể do nhân viên đó không mấy hứng thú với công việc đang làm, không tìm thấy niềm vui với vị trí mà mình đang đảm nhận. Hoặc cũng có thể nhân viên đó nghĩ rằng, công việc mình đang chịu trách nhiệm không cần thiết phải đến đúng giờ mà vẫn có thể hoàn thành bằng những giờ làm thêm vào buổi tối”. 
Giám đốc Công ty Alphanam Nguyễn Tuấn Hải lại cho biết: “Nếu cho thôi việc hoặc phạt tiền thì đơn giản quá, ai mà chẳng làm được! Nên trực tiếp gặp và nói chuyện với những nhân viên đó, để tìm hiểu xem họ muốn gì, cần gì để có thể tự chấm dứt tình trạng đi muộn”.