Cái lý của nhân viên xin thôi việc

Ai nghỉ việc cũng có lý do, có khi có cả “nỗi niềm”. Để tránh những rắc rối không đáng có khi một ngày đẹp trời bất ngờ nhận được đơn xin nghỉ việc của một nhân viên mà mình đang kỳ vọng, nhà quản trị cần tiếp cận sâu, nhiều góc cạnh đời sống nhân viên để chủ động hóa giải trước. 

Ảnh minh họa

Điều này có vẻ như một đòi hỏi quá đáng bởi công việc chuyên môn đã quá bận rộn còn đâu thời gian mà quan tâm đến đời sống muôn mặt của nhân viên? Nhưng bạn có biết, nhiều khi các nhà quản lý hơn thua nhau ở những điều đơn giản nhất. 
Những người lao động có trình độ và phẩm chất tốt thường “đòi hỏi cao”. Tuy họ không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi, nhưng lại muốn người sử dụng lao động đánh giá đúng năng lực của họ thông qua mức lương và cách đối xử. Một khi không đáp ứng được điều này, họ thường có cảm giác bị ép. 
Có hai điều mà doanh nghiệp cần lưu ý. Đó là đừng giữ cách hành xử theo kiểu “mẹ đông con, đứa nào khóc cho bú trước”, tức ai đòi hỏi thì sẽ giải quyết, và đừng bao giờ suy nghĩ theo kiểu “dù tôi không tăng lương anh cũng vẫn ở lại làm”. 
Một khi nhân viên cảm thấy mình bị bắt chẹt thì sự gắn bó của họ với công ty sẽ không còn và quyết định xin thôi việc chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi tìm được cơ hội mới sẽ là lúc họ hát câu “người đã đi rồi khôn níu lại” vì e ngại phải gặp một sự bắt chẹt kế tiếp trong tương lai. 
Những người lao động giỏi thường là những người rất dễ tìm được chỗ làm tốt và thường được nhiều nơi dòm ngó, chiêu dụ. Vì vậy đối tượng này cần được ưu tiên quan tâm. Để giữ được người giỏi, song song với việc hoạch định một con đường sự nghiệp của họ trong công ty, các ông chủ cũng đừng quên tăng lương cho họ. 
Nhưng giả thử điều không muốn vẫn xảy ra, nhân viên giỏi vẫn xin thôi việc. Điều nhà quản lý cần làm nhất lúc này là kiềm chế cảm xúc tức giận. Đừng bao giờ đối xử với người ra đi như đối xử với người phản bội. Bạn hãy nghĩ rằng đối với người lao động, xin nghỉ việc là điều bất đắc dĩ, là việc chẳng đặng đừng. 
Một người lao động được “đưa tiễn” vui vẻ đến chỗ làm mới, trong thâm tâm họ vẫn ít nhiều vương vấn, có khi là niềm hối tiếc, dù cho quyết định ra đi là đúng đắn. Tương lai còn dài, ai dám chắc mai này hai bên sẽ không gặp lại nhau với vị trí và tư cách khác. Cách đối xử cao thượng với người ra đi, nếu không gieo trồng kết quả tốt đẹp cho mai sau, thì ít nhất cũng là điều nên làm trong xử sự.