Để có môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh

Nếu không có đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, tính cạnh tranh có thể bị mất đi, thái độ làm việc cũng tương đối ủê oải. Nếu có ý chí cạnh tranh mạnh mẽ, thái độ làm việc cũng hăng say hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh như thế nào thì sẽ phát huy tác dụng và đạt hiệu quả cao trong công việc lại là một vấn đề không đơn giản?

Ảnh minh họa

Con người đều có sự ngưỡng mộ đối với cái đẹp, sự ngưỡng mộ ở mức độ cao hơn sẽ biến thành sự thèm muốn. Sự thèm muốn này bắt nguồn từ sự hướng tới những thứ mà người khác có được trong khi mình không có.
Giữa những người có quan hệ thân thiết, sự thèm muốn này không có biểu hiện rõ ràng; loại tình cảm này đôi khi bị mất đi do sự xác định một quan hệ nào đó, chẳng hạn như mối quan hệ giữa những người yêu nhau, tới khi họ xác định quan hệ hôn nhân, điểm mạnh của một bên cũng sẽ là thứ mà bên kia được hưởng thụ, vì vậy sự thèm muốn sẽ bị mất đi.
Nhưng giữa một số người có quan hệ thân thiết, sự thèm muốn này lại không thể chuyển đổi cho nhau, chẳng hạn như giữa n hững người đồng nghiệp, hàng ngày gặp mặt, làm việc thì hăng say như nhau, nhưng sở trường của người khác lại là điều không thể cùng chia sẻ, vì thế phát sinh ra sự thèm muốn. Sự thèm muốn này có thể sẽ tồn tại lâu dài.
Sự thèm muốn có thể biến hóa theo sự điều chỉnh tâm thái. Có người vì thèm muốn sở trường của người khác nên nghĩ rằng, bản thân mình cũng phải cố gắng gian khổ, học tập để có được sở trường của người kia, để mọi người có được sự thống nhất về khả năng và kỹ thuật.
Những người này chuyển hóa tâm lý thèm muốn, khát khao thành động lực học tập và làm việc, xóa bỏ khoảng cách về năng lực với người đồng nghiệp thông qua sự thi đua. Kiểu cạnh tranh theo hành vi này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh theo hướng lành mạnh.
Sự cạnh tranh theo hướng lành mạnh sẽ có ích đối với một tổ chức, nó có thể thúc đẩy, tạo nên bầu không khí đua nhau học tập và làm việc, mọi người đều tích cực suy nghĩ làm thế nào để nâng cao năng lực của bản thân; làm sao nắm bắt được kỹ thuật mới; làm gì để có được thành tích lớn hơn. Cứ như vậy, năng lực làm việc của công ty có thể được nâng lên rất nhiều, quan hệ con người cũng ngày càng tốt đẹp.
Nhưng cũng có một số người lại biến sự thèm muốn những thứ mà người khác có trong khi mình không có thành lòng đó kỵ ngấm ngầm, họ luôn nghĩ làm sao đẻ “ngáng chân” được người kia, làm thế nào để vu tội cho người khác, làm cho người đó phải mang tiếng xấu, làm gì đẻ người đồng nghiệp đó không hoàn thành được nhiệm vụ càng nhiều càng tốt… Biện pháp mà họ làm là “kéo chân sau” của những người có khả năng để cho mọi người đều tụt hậu như nhau, tự che đậy sự bất tài của mình.
Loại hành vi này có thể dẫn tới sự cạnh tranh theo hướng không lành mạnh trong công ty. Nó có thể làm cho nhân viên trong công ty cảm thấy trong lòng hoang mang, luôn đề cao cảnh giác với những người đồng nghiệp, luôn đề phòng bị người khác “tính sổ”
Cứ như vậy, mọi người đều phải dồn hết tâm trí và sức lực vào việc xử lý các mối quan hệ con người, ngay đến người quản lý cũng bị quấn chặt vào đợt sóng tố cáo, vạch mặt, trách móc lẫn nhau giữa các nhân viên, đến mứcngạt thở. Thành tích của công ty tự nhiên sẽ bị giảm xuống.
Trong một công ty như vậy, mọi người đều tố cáo lẫn nhau, công việc khó có thể hoàn thành một cách thuận lợi, chẳng ai dám đi đầu, bởi kẻ đi đầu sẽ chết trước. Tinh thần của mọi người hết sức uể oải, thành tích của công ty cũng không có gì xuất sắc.
Người quản lý nhất định phải quan tâm đến sự biến đổi tâm lý của nhân viên, sử dụng biện pháp ngăn chặn sự cạnh tranh theo hướng không lành mạnh, tích cực dẫn dắt sự cạnh tranh theo hướng lành mạnh trong công ty.
Người quản lý có thể sử dụng một số kỹ xảo sau để dẫn dắt sự cạnh tranh theo hướng lành mạnh.
1.Người quản lý phải lập ra một quy định đánh giá thành tích một cách chính xác. Phải đánh giá năng lực của nhân viên qua thực tế thành tích, không thể căn cứ vào ý kiến của nhân viên khác hoặc do sự yêu, ghét chủ quan của cá nhân người quản lý. Nói chúng tiêu chuẩn đánh giá phải hết sức khách quan, giảm thiểu đánh giá theo ý nghĩ chủ quan.
2.Người quản lý phải lập ra một hệ thống giao tiếp công khai giữa các nhân viên trong nội bộ công ty để cho mọi người được tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn. Muốn nói chuyện thì nói ở chỗ công khai, có ý kiến gì thì đưa ra ngay trước mặt.
3.Những người quản lý không được khích lệ nhân viên có những hành động nhỏ nhen như gửi thư tố cáo mật, không được để nhân viên giám sát lẫn nhau, không được tin lời nói từ một phía của một cá nhân nào đó
4.Người quản lý phải kiên quyết trừng trị những người vì mưu đồ cá nhân mà công kích người đồng nghiệp khác, phá vỡ tinh thần làm việc bình thường của công ty. Phải loại trừ “con sâu làm rầu nồi canh”, có như vậy, cả công ty mới có thể bình yên.
Tóm lại, người quản lý chính là trung tâm và là tấm gương của cả công ty, mỗi việc làm, hành động của họ sẽ có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành không khí trong công ty.
Người quản lý phải bắt đầu từ hai phương diện tiêu chuẩn và thực tiễn để kìm hãm sự canh tranh của nhân viên theo hướng không lành mạnh, tích cực dẫn dắt nhân viên cạnh tranh theo hướng lành mạnh, để mọi người có chung một suy nghĩ, một mục tiêu phấn đấu, công việc của công ty sẽ ngày càng tốt đẹp.