Doanh nghiệp Việt Nam với nỗi lo thiếu hụt CEO

Một công ty trong nước ký kết được một số hợp đồng đóng tàu cho đối tác nước ngoài. Công ty này có bước phát triển mạnh mẽ, nên áp dụng mô hình thuê CEO (giám đốc điều hành) để tái cấu trúc bộ máy hoạt động, nâng tầm quản lý. Thông tin tuyển CEO của công ty này được đăng trên báo và chuyển đến các công ty “săn đầu người” (head – hunter)…

Ảnh minh họa


Từ nỗi lo thiếu “hàng nội” CEO…
Việc tuyển CEO của doanh nghiệp (DN) này ít nhiều gây sự chú ý đối với các nhà head – hunter trên thị trường. Bất ngờ hơn khi trong số vài chục hồ sơ dự tuyển, chỉ có 3 ứng viên đạt yêu cầu và tất thảy đều là CEO người nước ngoài. Một số ứng viên người Việt bị rớt từ vòng tuyển chọn hồ sơ… Đối với trường hợp này, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần – Dịch vụ và tư vấn phát triển nguồn nhân lực BCC, cho rằng đó không phải là trường hợp duy nhất mà là thực trạng phổ biến ở thị trường lao động cao cấp.
Trên thực tế, VN đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ CEO giỏi. Điều này thể hiện qua thị trường lao động cao cấp, nhu cầu thuê CEO đang ngày càng tăng cao, đặc biệt ở các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, nhưng để tìm được một CEO giỏi là người Việt không đơn giản. Cũng theo ông Chiến, một CEO chuyên nghiệp phải được đào tạo bài bản, chẳng hạn có bằng cấp MBA hoặc các chứng chỉ chuyên ngành về quản lý… Ngoài ra phải là người có bề dày kinh nghiệm, am hiểu các lĩnh vực mà công ty kinh doanh, biết hoạch định kế hoạch và xây dựng được bộ máy điều hành có tầm nhìn xa và dự báo các vấn đề mang tính tổng thể… Với những đòi hỏi này thì CEO người Việt vẫn còn thua xa CEO người nước ngoài.

…Đến thua vì cơ chế
Ở nhiều nước trên thế giới, việc thuê mướn CEO đã trở nên phổ biến đối với nhiều DN và CEO đã được coi là chức danh hành nghề chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại VN, mô hình quản lý của đa số các DN vừa và nhỏ theo kiểu gia đình, người đứng đầu vừa là chủ vừa là giám đốc. Quyền sở hữu chủ và quyền điều hành không được tách rời khiến DN hoạt động không năng động. Ở các DN Nhà nước, lãnh đạo DN hay một người đương chức CEO chỉ được coi là công chức được bổ nhiệm. Do vậy, vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của một CEO không được đề cao.
Trong một báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tới đây sẽ hình thành loại hình DN Nhà nước có nhiều chủ sở hữu, đồng thời với việc thu hẹp và tiến tới loại bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành; mở rộng diện cổ phần hóa, kể cả tổng công ty Nhà nước, tạo động lực và cơ chế năng động. Ngoài ra, HĐQT sẽ tuyển chọn, ký hợp đồng thuê CEO ở DN Nhà nước… Rõ ràng, việc thuê CEO là cách làm mới để giúp các DN phát triển lên tầm cao mới, nâng tầm quản lý. Nhưng theo lý giải của các chuyên gia, trong tình hình hiện tại, rất khó để triển khai cơ chế thuê CEO. Được biết, một CEO hiện nay có mức lương bình quân thấp nhất 1.000 USD/tháng và mức bình quân từ 5.000 USD/tháng trở lên. Cơ chế trả lương theo thang bản lương Nhà nước hiện hành sẽ khó để các DN thực hiện việc thuê mướn CEO như ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vốn trả lương theo năng lực.

Thách thức về quản trị DN
Thực ra, nỗi lo của các DN VN không chỉ bởi thực trạng thiếu hụt CEO mà là chưa tìm được mô hình điều hành quản lý riêng biệt đủ sức cạnh tranh trước những thay đổi mới. Trong tham luận gửi đến hội thảo về thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cấp cao do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho rằng sự biến động của thị trường trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đưa đến nhiều thách thức cho các loại hình DN. Những lãnh đạo DN trong nước phải tự trang bị cho mình một kỹ năng quản lý cao hơn với những kiến thức luôn cập nhật để nâng tầm, đưa DN phát triển.
Ông Trần Hữu Đức, chuyên gia nhân sự, cho rằng khoảng 5 – 10 năm nữa mới có thể chuẩn bị nguồn lực CEO để cung cấp cho thị trường. Vấn đề đặt ra từ khâu đào tạo cũng như ý thức về vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực quản lý điều hành từ các DN. Có điều, đáng lưu ý là đào tạo nguồn nhân lực cao cấp này cũng đang là bài toán khó bởi các dịch vụ đào tạo chuyên ngành này còn rất nhiều hạn chế. Được biết, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thuộc ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những đơn vị có đào tạo chuyên biệt về CEO