Nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập thị trường thế giới, nhiều công ty có tầm cỡ ở Trung Quốc, thuộc sở hữu tư nhân cũng như nhà nước, đang cạnh tranh với nhau để thu hút những nhà quản lý từng làm việc cho các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc hay ở nước ngoài.
Ảnh minh họa
Có thể nói Aaron Tong, 42 tuổi, là một người thành đạt, có mức lương đến 100.000 Đôla Mỹ mỗi năm cho chức vụ trưởng bộ phận điện thoại di động của hãng Motorola tại Bắc Kinh. Thế nhưng, cách đây hai năm, khi TCL Corp, nhà sản xuất máy thu hình và điện thoại hàng đầu của Trung Quốc, mời ông về giữ chức phó chủ tịch, ông nhận lời ngay. Tuy mức lương có cao hơn cộng với quyền mua cổ phiếu ưu đãi, nhưng Tong cho rằng cái hấp dẫn ông không phải là chuyện tiền bạc.
“Công ty này đã đem đến cho tôi một công việc thử thách hơn. Ở một công ty Trung Quốc, bạn có thể làm nhiều chuyện quan trọng hơn ở một công ty đa quốc gia”, Tong giải thích.
Xu hướng mới
Tong không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều giám đốc cấp cao người Trung Quốc từng làm việc trong các công ty đa quốc gia nay đang được các công ty tư nhân Trung Quốc săn đón.
Tang Jun, Chủ tịch của Shanda Interactive Entertainment, một công ty trò chơi trên Internet được niêm yết trên thị trường Nasdaq, từng là Chủ tịch của Microsoft ở Trung Quốc. Jean Cai, Giám đốc giao tế của Lenovo, từng làm việc cho Ogilvy & Mather Worldwide và General Electric Co. Huawei, một công ty sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, thì đã “săn” nhiều nhà quản lý từ các công ty Motorola và Nokia.
Trong khi đó, Haier, China Netcom và Brilliance China Automotive Holdings lại chiêu mộ nhân tài của McKinsey, A.T. Kearney và Nhóm Tư vấn Boston. “Chúng tôi hiện đang mất rất nhiều thời gian để tư vấn cho các công ty đa quốc gia làm thế nào để giữ lại những nhân tài giỏi nhất”, Bill Henderson, Giám đốc điều hành ở Trung Quốc của Egon Zehnder International, một tổ chức “săn đầu người”, nói.
Xu hướng nói trên là một thay đổi lớn so với cách đây năm năm khi mà các nhà quản lý cấp cao Trung Quốc thường hiếm khi nghĩ đến chuyện rời bỏ một công ty nước ngoài để về làm việc cho một công ty trong nước.
Không chỉ có các công ty tư nhân, các công ty quốc doanh ở Trung Quốc nay cũng bắt đầu bỏ ra nhiều tiền để thu hút nhân tài. Chẳng hạn, Công ty Bảo hiểm Bình An, nhà bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai Trung Quốc, đã chịu trả lương cao hơn 50% cho các giám đốc của Canadian Imperial Bank of Commerce và American International Group (AIG) để mời họ về làm việc cho mình.
Mới đây, Bình An còn bỏ ra 65.000 Đôla Mỹ/năm để tuyển dụng một giám đốc từng làm việc cho một ngân hàng quốc tế. Mức lương này cao hơn mức lương cũ của vị giám đốc đó đến 40%.
Điều đáng chú ý hơn là các công ty Trung Quốc nay còn thu hút nhân tài người Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài. Michael Zhang, 37 tuổi, người gốc Tứ Xuyên, từng làm việc trong bốn năm cho Guidant Corp., một công ty sản xuất thiết bị y tế ở Mỹ, trước khi về “đầu quân” cho Microport Medical (Shanghai) Co. ở chức vụ tổng giám đốc điều hành (CEO).
Sau đó, Zhang chiêu mộ tiếp Zhao Ruilin, 33 tuổi, có bằng tiến sĩ khoa học và công nghệ của Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Wharton, về làm phó chủ tịch phụ trách hoạch định chiến lược và phát triển kinh doanh cho mình.
Nhiều nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng chuyển dịch các nhân tài từ các công ty nước ngoài về các công ty trong nước ở Trung Quốc.
Một trong số đó là các công ty trong nước ở Trung Quốc đang phải cạnh tranh với nhau trong cuộc đua thu hút các giám đốc từng có kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng ra thị trường thế giới.
Theo dự báo của McKinsey, Trung Quốc sẽ cần khoảng 75.000 giám đốc có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế trong năm năm tới, nhưng hiện nay nước này chỉ có chưa tới 5.000 người.
Trường hợp của Gome, công ty bán lẻ đứng hàng thứ hai của Trung Quốc, là một ví dụ. Hồi tháng 1 năm nay công ty này đã mời Weng Xiangwei, 37 tuổi, cựu phó chủ tịch phụ trách nhóm sáp nhập và mua lại của Morgan Stanley, về làm giám đốc tài chính và chiến lược.
Weng, người gốc Thượng Hải, có bằng tiến sĩ sinh học của Đại học Berkeley ở California (Mỹ), nói: “Khi một công ty tăng trưởng về quy mô, công ty đó cần phải nghĩ xa hơn chuyện đặt một cửa hàng mới ở đâu”.
Các giám đốc cấp cao cho rằng các công ty trong nước tạo điều kiện cho họ gánh vác nhiều trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn. Đó cũng là lý do khiến Wu Xianyong, 34 tuổi, người sinh trưởng ở tỉnh Vân Nam, rời bỏ P&G. Năm 2004, sau gần chín năm làm việc cho P&G, Wu đã “nhảy” sang làm phó chủ tịch phụ trách tiếp thị cho Li-Ning, một công ty tiếp thị giày và quần áo thể thao hàng đầu của Trung Quốc. Sau đó, anh tiếp tục đảm nhiệm thêm việc phụ trách hoạt động kinh doanh quốc tế cho công ty này.
“Li-Ning đã “tạo đất dụng võ” cho tôi. Tôi không chỉ đơn thuần là một giám đốc nhãn hiệu mà còn phụ trách nhiều việc khác, từ tổ chức các sự kiện, công tác giao tế cộng đồng (PR) cho đến nghiên cứu”, Wu nói.
Lương không phải là điều kiện tiên quyết
Một số giám đốc phải chấp nhận mức lương thấp hơn khi họ về làm cho các công ty trong nước. Nhưng đổi lại, họ được bù đắp bằng quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Và xu hướng này đang trở nên phổ biến khi ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc được niêm yết trên các thị trường chứng khoán nước ngoài.
Deng Kangming là một điển hình. Tuy bị giảm lương 20% khi từ bỏ chức vụ Giám đốc nhân sự của Microsoft ở Bắc Kinh để về làm việc cho Alibaba Technology, một trang web đấu giá của Trung Quốc, ở vị trí tương tự nhưng Deng lại được hưởng một số lớn quyền mua cổ phiếu ưu đãi.
Hai năm trước, Zhou Donglei, 27 tuổi, cũng chấp nhận bị giảm thu nhập 35% khi thôi việc ở Quỹ Đầu tư hạ tầng SoftBank (Nhật) để nhận chức giám đốc phát triển quan hệ đầu tư và phát triển kinh doanh ở Shanda. “Điều cuốn hút tôi chính là cơ hội chứ không phải tiền lương”, Zhou nói.
Tương tự đối với Zhao Ruilin của Microport nói trên, tuy chỉ kiếm được 60.000 Đôla Mỹ/năm, chỉ hơn một nửa mức lương cũ, nhưng Zhao được cấp nhà ở. Ngoài ra, Zhao cho biết, anh được nhận nhiều trách nhiệm hơn và được làm việc với một công ty có nhiều triển vọng tăng trưởng (doanh thu của Microport dự kiến sẽ tăng gấp ba trong năm nay, đạt 30 triệu Đôla Mỹ).
Theo ước tính của một công ty tuyển dụng nhân sự, các giám đốc điều hành ở các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc nay có thể kiếm được 300.000 Đôla Mỹ/năm cộng với trợ cấp nhà ở và xe hơi. Còn các giám đốc điều hành cấp giữa cũng có thu nhập không dưới 70.000 Đôla Mỹ/năm.
Để giữ chân các giám đốc này, các công ty phải tăng lương cho họ 13-14%/năm, còn các công ty muốn “săn đầu người” phải tăng lương 20-30%, theo Bo Le Associates, một công ty tuyển dụng ở Hồng Kông