Liên tiếp mở các siêu thị lớn ở châu Á, Lotte tham vọng trở thành ông lớn trong chuỗi bán lẻ toàn cầu.
ảnh minh họa
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc muốn cùng với Samsung, Toyota và nhiều tên tuổi khác trở thành những “siêu tập đoàn” châu Á. Để gia nhập câu lạc bộ này, Lotte đang phải thay đổi chiến lược kinh doanh khi mà thị trường nội địa vốn chiếm hơn 80% doanh số của hãng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Doanh số của Lotte tại Hàn Quốc năm 2013 đạt 75,7 tỷ USD và trở thành tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa đang chậm lại, đặc biệt Lotte còn gặp trở ngại bởi đạo luật ra đời năm 2012 buộc những “gã khổng lồ” như Lotte phải đóng cửa siêu thị ít nhất 2 lần mỗi tháng và không được mở cửa 24/24h mỗi ngày. Đạo luật nhằm tạo điều kiện cho các hãng bán lẻ quy mô nhỏ hơn.
Ngoài ra, tại Hàn Quốc, trong chiến dịch tranh cử, một trong những hứa hẹn của các ứng cử viên là sẽ áp đặt lệnh cấm mở thêm siêu thị ở các thành phố dưới 300.000 dân, có nghĩa ngay cả các chuỗi siêu thị của chính Hàn Quốc như Lotte Mart cũng không được mở thêm siêu thị tại 50 thành phố trên tổng số 82 thành phố của cả Hàn Quốc và ở mọi thị trấn – tổng cộng họ không tiếp cận được khoảng 1/4 dân số.
Một vấn đề nữa đó là Hàn Quốc đang già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp. Số dân trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc dự báo bắt đầu giảm từ năm 2017. Xu hướng tiêu dùng do đó cũng được dự báo sẽ thay đổi đáng kể. Đây là điều mà các nhà bán lẻ buộc phải lường trước để có thể thích nghi.
Đổ bộ thị trường ngoại
Những năm gần đây, Lotte đang ra sức thâm nhập vào các thị trường láng giềng trong đó có Indonesia, Việt Nam, Myanmar. Đến nay, Lotte đã dành hơn 10 nghìn tỷ won (9,6 tỷ USD) cho khoảng thương vụ mua bán sáp nhập ở nước ngoài và chủ yếu là châu Á và các nước Xô Viết cũ.
Lotte Mart hiện có 146 trung tâm thương mại ở nước ngoài tính đến cuối 2013, từ chỉ 1 trung tâm thương mại năm 2007 và vượt hẳn con số 109 trung tâm thương mại sở hữu tại Hàn Quốc. Như vậy, chỉ cần 6 năm, mạng lưới trung tâm thương mại ở nước ngoài của Lotte đã vượt thị trường trong nước.
Lotte đặt mục tiêu doanh thu 200 nghìn tỷ won vào năm 2018 với tổng số 700 trung tâm thương mại và trở thành hãng bán lẻ hàng đầu châu Á.
Chia sẻ về chiến lược của tập đoàn khi vào thị trường ngoại, Tổng giám đốc Lotte, ông Shin cho biết, Lotte sẽ tìm kiếm những vị trí có thể cho phép họ triển khai nhiều loại hình kinh doanh, nghĩa là vừa có thể phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn và ngoài ra có thể là chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria.
Thực tế, một trong những chiến lược của Lotte khi đặt chân vào các thị trường ngoài ban đầu thường là mở chuỗi cửa hàng Lotteria nhằm khảo sát thị trường trước khi mở rộng các hoạt động bán lẻ khác.
Ngoài bán lẻ, hiện Lotte đã có mặt trong các lĩnh như giải trí, bất động sản, bánh kẹo và đồ ăn nhanh. Cùng với việc đa dạng loại hình kinh doanh, Lotte thường hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối bán lẻ. Ví dụ, trong mảng kinh doanh bia, Lotte sử dụng thiết bị kiểu Đức để xây nhà máy, bia sau khi sản xuất sẽ cung ra thị trường chỉ vài ngày sau đó.
Việt Nam – Át chủ bài của Lotte tại châu Á
Việt Nam là một trong 3 thị trường quan trọng của Lotte Mart tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Thay vì trực tiếp đầu tư vào ngành bán lẻ hay thực phẩm, Lotte dùng “chiến thuật bàn đạp” để từng bước vào Việt Nam. Trong bán lẻ, ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2006, hãng này đã hợp tác với DN thương mại trong nước là Minh Vân để hình thành liên doanh với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD. Sau đó 2 năm, Lotte lại chính thức thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam thông qua việc mua gần 30% và sau đó mua thêm 9% cổ phần của Bibica. Lotte chính thức trở thành cổ đông chiến lược của thương hiệu thực phẩm đứng thứ hai trên thị trường bánh kẹo.
Có mặt tại Việt Nam từ 2008, đến nay, Lotte đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như bánh kẹo (Bibica, Lotte Việt Nam), thức ăn nhanh (Lotteria), bán lẻ (Lotte Mart) giải trí (Lotte Cinema), xây dựng, công nghệ thông tin…
Lotte đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 trung tâm thương mại vào 2020 tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, ….
Tuy tốc độ mở rộng của Lotte tại Việt Nam vẫn chưa thể sánh với tại Trung Quốc hay Indonesia, song nếu xét về mặt doanh thu, thị trường Việt Nam lại có nhiều tiềm năng, với mức tăng trưởng đạt 47,5%; trong khi ở Trung Quốc là 7,8% và Indonesia là 13,7%.
Với việc Aeon – tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản dự kiến mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội vào năm sau, Lotte đã đi trước đón đầu với khai trương 2 trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, gồm Lotte Mart Tây Sơn từ cuối tháng 3 và Lotte Mart Center tại Liễu Giai hồi đầu tháng này.
Để phục vụ mục tiêu mở 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào 2020, Lotte vẫn âm thầm tìm kiếm nhiều “khu đất vàng” tại các thành phố lớn.
Theo Dân Việt