Yếu tố trở thành ông ‘sếp’ đáng sợ

“Tôi không bao giờ quên được giây phút đầu tiên khi được biết là một trong những thuộc cấp rất sợ tôi. Một chàng trai trẻ 26 tuổi, đã nộp đơn xin thôi việc dù anh ta rất thích công việc của mình”, giám đốc một doanh nghiệp than phiền.

Ảnh minh họa

Ông cho biết, lý do khiến nhân viên trẻ này nghỉ việc ông chỉ được biết đến qua trợ lý của mình: “Hóa ra anh ta sợ tôi”, ông nói. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, ông vẫn không thể hình dung nổi thế nào là một giám đốc đáng sợ và tại sao những bạn trẻ năng động mà ông kỳ vọng lại lần lượt dứt áo ra đi. Sau đây là một vài điều gợi ý của các chuyên gia.
Vị trí. Đôi khi chỉ cần có vị trí cao cũng đủ làm cho các ông chủ trở nên đáng sợ. Yếu tố bạn có quyền tuyển dụng hay sa thải, tăng lương hay thưởng cũng đủ khiến cho giám đốc doanh nghiệp thành một nhân vật gây nỗi sợ hãi cho người khác.
Tính khó lường. Nếu người ta không thể dự đoán được một cách hợp lý phản ứng của ông chủ trước một tình huống, họ thường suy đoán phản ứng xấu nhất. Các chuyên gia công nghệ thông tin là những người được đào tạo để tư duy theo hình tượng, và có tính quyết đoán cao. Những câu trả lời ngẫu hứng khác nhau của chủ doanh nghiệp trước cùng một tình huống sẽ chuyển tải một thông điệp duy nhất đến cho họ: Sự khó chịu. Nếu là một trưởng phòng khó lường, thì rõ ràng bạn là nỗi khó chịu đối với họ.
Tính bất ổn. Ngay cả một ông sếp dễ dự đoán nhất vẫn có thể có đầy bất ổn về mặt cảm xúc. Trạng thái tâm lý thiếu kiềm chế gây hoang mang cho nhân viên, và trong một số trường hợp đây cũng chính là sự khó lường. Nếu cứ để tâm trạng hoặc các sự kiện đôi khi tác động đến phản ứng của mình trước các tình huống khác nhau, thì bạn là người luôn luôn đáng sợ đối với nhân viên.
Thiếu tin tưởng nhân viên. Nếu “sếp” biểu lộ sự thiếu tin tưởng hay coi thường nhân viên thông qua lời nói hay hành động, thì có thể đối với họ, việc trình bày các vấn đề với ông chủ của mình là một điều đáng sợ. Một số ông sếp đưa ra nhiều câu nói thô thiển với nhân viên của mình, biểu lộ sự khinh thị đối với khả năng của họ. Trong khi đó, một số khác lại đưa ra hàng loạt câu hỏi mang tính chất công kích hay truy xét, và nhân viên hiểu ra được sự thật đằng sau những câu hỏi cố ý đó.
Giữ kín thông tin. Khi nhân viên biết rằng các cán bộ quản lý đang giữ kín những thông tin giá trị, các nhân viên sẽ vừa thất vọng vừa lo sợ. Việc giữ kín những thông tin đó khiến họ suy nghĩ rằng hoặc là sếp vừa tham quyền lực vừa chỉ biết riêng mình, hoặc là sếp bất tài. Cả hai cách suy đoán đó đều gây khó chịu cho họ.
Không bảo vệ nhân viên. Một trong những điều mà các thuộc cấp chờ đợi nơi cấp trên của mình là bảo vệ họ khỏi những bất trắc từ bên ngoài. Nếu một người trong nhóm bị “sếp của sếp” sa thải do một cơn giận dữ bất chợt nào đó thì những nhân viên khác sẽ cảm thấy rủi ro trước những bất ổn ở cấp quản lý cao hơn. Điều đó cũng giống như các thủy thủ trên boong tàu luôn phải căng mắt ra theo dõi thời tiết, vì họ biết rằng thuyền trưởng là người không đáng tin cậy.