Để trở thành nhà cung cấp của Samsung, DN cần đáp ứng được 8 điều kiện cơ bản là công nghệ, chất lượng, thời hạn giao hàng, giá cả…
ảnh minh họa
Đây là yêu cầu chính thức được Tập đoàn Samsung đưa ra cùng với các chuyên gia của Samsung Electronics (SEV) trưng bày các nhóm sản phẩm linh kiện mẫu cần mua và điều kiện cụ thể đối với một nhà cung cấp, chính sách mua hàng. Tuy nhiên, nhận định của giới chuyên môn về bước đầu các doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng.
Không có chuyện ngồi đó chờ đặt việc vào tay!
Như vậy, sau nhiều dự đoán cùng với những mong đợi thì nay chính thức phía Samsung đã ra đề bài cùng với những yêu cầu cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào sản xuất linh kiện hỗ trợ cho họ.
Theo đó, với danh sách 170 linh kiện mà Samsung đang cần cho sản phẩm trước mắt sẽ đi vào sản xuất là GalaxyS4 và Tab7, các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo điều kiện cơ bản là công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, thời hạn giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật.
Thậm chí gần đây, SEV còn đưa ra 13 điều mục cần phải tuân thủ khi làm việc với SEV để giảm thiểu rủi ro, trong đó nghiêm cấm hành vi tham nhũng.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm và “ưu tú hơn các nhà cung cấp hiện có” thì sẽ được Samsung ưu tiên lựa chọn.
Điều này quả đúng như các chuyên gia đã nhận định rằng không có chuyện bằng mọi giá Samsung ngồi chờ doanh nghiệp Việt Nam để mua sản phẩm trong khi chưa có sự bắt đầu từ trước đó.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Samsung đang áp đúng bài của cuộc chơi kinh tế thị trường và ở đó chắc chắn không có chuyện cầm tay chỉ việc và ép đối tác phải chờ đợi hay buộc phải mua sản phẩm của mình.
“Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào được thì buộc phải có đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang làm cùng Samsung. Khi đó cũng là sản phẩm đó, cung ứng ở trong nước, giá thành rẻ hơn, điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn thì không có lý do gì Samsung không lựa chọn”, TS Cung nói.
Thế nhưng, theo TS Cung, từ trước tới nay phần lớn doanh nghiệp trong nước (với những anh có ‘máu mặt’ trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước) lại quen làm ăn theo kiểu ký được một phi vụ nào đó, được nâng đỡ bằng các mối quan hệ nên ít khi phải va chạm với thị trường. Chính vì thế khi buộc phải tham gia vào cuộc chơi với sự cạnh tranh thực sự sẽ ngại thay đổi, không dám mạo hiểm.
Cũng chung quan điểm này, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho rằng: Không thể đòi hỏi nhà đầu tư cầm tay chỉ việc và tự trọng của một doanh nghiệp cũng không nên làm như thế.
Từ kinh nghiệm thực tế ông Thắng khẳng định việc Samsung cần có doanh nghiệp vệ tinh là hết sức cần thiết và họ cũng biết rõ yêu cầu về việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam.
Theo đó với tất cả các nhà đầu tư nếu như thấy nước sở tại cung cấp được tốt các sản phẩm phụ trợ, đủ năng lực công nghệ, thiết bị, sản xuất ra sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn cuối cùng thì không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư mà cho cả nước chủ nhà thì họ sẵn sàng lựa chọn.
“Cho nên Samsung không đi ngược lại xu thế này. Tuy nhiên cũng nên đánh giá đúng điều này chỉ xảy ra khi có doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện thì chắc chắn sẽ ngồi vào bàn được với nhau và đưa ra sản phẩm với những yêu cầu cụ thể để đàm phán”, ông Thắng nói.
Phải chấp nhận bài toán thị trường thanh lọc
Theo TS Cung, đã là làm ăn theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận rủi ro và chỉ có cách chứng minh duy nhất bằng uy tín, chất lượng. Chính vì vậy đòi hỏi này đôi khi được xem là xa xỉ và không phải doanh nghiệp nào cũng dám lao vào.
Song thực tế, qua nhiều góc nhìn đánh giá cho đến nay tại Việt Nam sau 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trình độ tiếp thu công nghệ của Việt Nam đã khá hơn rất nhiều, nhưng ông Thắng cũng nói thẳng: để doanh nghiệp có đủ khả năng về công nghệ, tài chính làm ra sản phẩm đúng như yêu cầu của Samsung thì lại không phải là chuyện dễ.
Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia được cũng phải có đủ tiền đầu tư. Thứ hai là phải có đủ nguồn lực (con người) hiểu biết để vận hành, điều chỉnh máy móc trong quá trình sản xuất ra sản phẩm.
“Đây là hai vấn đề Việt Nam còn thiếu. Do đó nhà nước phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí để làm sao có thể tham gia vào sản xuất các linh kiện phụ trợ. Song quan trọng hơn cả vẫn phải là doanh nghiệp tự vươn lên từ những hỗ trợ bước đầu của nhà nước”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam lại nhìn nhận: “làm công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi người thực, việc thực cùng với sự uyển chuyển trong việc ứng dụng công nghệ. Thế nhưng thực tế cho thấy tâm lý ăn sẵn, lười mà nhiều doanh nghiệp đang bị sa vào cho nên lúc nào cũng kêu gào và chờ mọi việc tự đến. Sự thụ động này sẽ không mang lại thành công nếu thực sự doanh nghiệp muốn đặt mình vào cuộc đua này”.
Theo ông Thắng, việc Samsung đưa ra những yêu cầu cụ thể như vậy có thể xem là thiện chí và không thể đòi hỏi gì hơn. “Không có nhà đầu tư nào có thể cam kết bằng mọi giá sẽ mua sản phẩm phụ trợ khi chưa biết rõ doanh nghiệp sẽ đáp ứng như thế nào.Trong thời đại khoa học kỹ thuật này việc đổi mới sản phẩm, công nghệ là đòi hỏi thường xuyên và chắc chắn nhà đầu tư sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho họ và không có chuyện họ liều mình đánh đổi uy tín nếu thấy doanh nghiệp cung ứng sản phẩm trung gian chưa đạt được tiêu chuẩn họ đề ra.
Do đó không còn cách nào khác là các doanh nghiệp trong nước phải chuyển mình, chủ động tham gia vào cuộc chơi để nắm bắt cơ hội cũng như hưởng ưu đãi từ phía nhà nước để bứt phá.
Còn TS Cung kỳ vọng: “Doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận mạo hiểm và tham gia vào cuộc chơi. Nhà nước hỗ trợ chỉ là một phần nào đó, quan trọng là doanh nghiệp dám làm, dám chịu và quyết tâm đeo đuổi đến cùng. Ban đầu có thể chỉ là làm bao bì, tấm đệm, lót… nhưng về lâu dài khi đã tạo được uy tín, hai bên tin cậy lẫn nhau thì có thể doanh nghiệp đó sẽ có những bước tiến xa hơn”.
Theo báo Đất Việt