Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải am hiểu pháp luật để củng cố vị thế và hạn chế những thiệt hại không đáng có. Đây là chia sẻ của ông Lương Văn Lý – Cố vấn, kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư – Thương mại và Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp tại Công ty VLT Lawyers.
ảnh minh họa
Trong tình hình giới đầu tư quan ngại nhiều hơn đến chuyện làm ăn trong bối cảnh có nhiều diễn biến nóng ở biển Đông, ông Lương Văn Lý đã chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ liên quan đến chuyện kinh doanh, đầu tư lẫn các vấn đề pháp lý trong kinh doanh.
Tiếng nói khách quan của chuyên gia độc lập
* Thưa ông, Công ty Luật VLT có Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức và có ông, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Vụ Luật pháp Quốc tế Bộ Ngoại giao… Có phải vì lợi thế nhân lực như vậy nên công ty có dự định mở rộng hoạt động khai thác các tiềm năng về lĩnh vực Công pháp Quốc tế?
– Vâng đúng thế. Trong số 7 luật sư, chúng tôi có 2 người đi chuyên sâu, có kinh nghiệm về Công pháp Quốc tế nên có tham vọng đóng góp tích cực hơn trong việc bảo vệ lợi ích của nước Việt Nam.
* Muốn làm công việc này thì phải chuẩn bị những gì, thưa ông?
– Vấn đề nóng bỏng hiện nay là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Phải nghiên cứu và cập nhật tình hình, biết các quan điểm và thực tế tranh chấp đến đâu, cần mở rộng vấn đề gì thêm để có thể tham gia ý kiến tư vấn với tư cách chuyên gia. Muốn tư vấn phải nắm chắc và sâu vấn đề.
* Nhà nước có nhu cầu tư vấn không, khi đã có rất nhiều cơ quan lớn và cả một Bộ Ngoại giao với đầy đủ các bộ phận nghiên cứu?
– Chúng tôi chỉ biết sẵn sàng còn nhà nước có nhu cầu hay không, công ty không thể chủ động được. Nhiều cơ quan nhà nước có đủ sức đáp ứng, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng trong trường hợp nhà nước cần đến tiếng nói của các chuyên gia độc lập.
* Tư vấn các vấn đề hệ trọng của đất nước như vậy thì công ty có thể trông cậy nguồn thông tin quan trọng từ đâu?
– Chắc chắn chúng tôi không có hết thông tin. Nhưng khi đi vào công việc, khi có quan hệ người tư vấn sẽ có sự hợp tác nhất định bắt đầu bằng cung cấp thông tin, ít ra để không sai lệch với thực tế.
Giống như công việc tư vấn chúng tôi đang làm với doanh nghiệp. Họ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời. Nếu giấu thông tin thì chả khác nào người ốm giấu bệnh với thầy thuốc.
Gần đây TS Nguyễn Bá Sơn cũng đã tham gia viết bài trên báo Thanh niên, ký tên Nguyễn Quốc Pháp, bàn đến một vấn đề gai góc là xử lý Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bài đó rất đáng đọc.
An toàn của nhà đầu tư
* Thưa ông, là nhà tư vấn luật cho doanh nghiệp, ông cảm nhận thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài trước tình hình nóng ở biển Đông ra sao?
– Mối quan tâm hàng đầu của họ chưa phải là chuyện tranh chấp các đảo ở biển Đông. Cái họ quan tâm là sự an toàn của công việc kinh doanh, nhất là sau các vụ gây rối ngày 13/5 vừa qua.
Lo lắng của họ xuất phát từ những biểu hiện bột phát thể hiện xung đột về quan hệ lao động giữa người làm công và giới chủ chứ không thực sự bắt nguồn từ quan hệ Việt Nam với Trung Quốc.
Những kẻ xấu nhân cớ đó thể hiện ra sự bất mãn lâu nay. Xung đột đó chưa được giải quyết, họ lo lắng nguy cơ còn tiềm ẩn có dịp là bộc phát.
Ông có nhiều dịp đi nước ngoài quảng bá với thế giới về kinh tế, làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Trong tình hình mới này, ông sẽ nói gì?
Việt Nam vẫn là một thị trường tương lai nhiều hứa hẹn. Nhiều người đùa là tôi đi “bán” mặt hàng Việt Nam.
* Vậy ông PR cho Việt Nam thế nào?
– Tôi cố nói khách quan. Khi người ta hỏi về các nhược điểm tôi cũng trình bày, giải thích khách quan, không tô hồng bức tranh. Nói với nhà đầu tư quốc tế không thể một chiều. Họ cũng có nhiều kênh khác để tiếp cận sự thật và sẽ biết mình có trung thực hay không. Thế mới là “tuyên truyền” có hiệu quả.
* Theo ông, các nhà đầu tư vẫn thấy Việt Nam là nơi hấp dẫn?
– Thế giới thấy đầu tư vào Việt Nam rất có lợi. Đương nhiên họ biết những khó khăn khách quan, chủ quan, nhưng làm ăn lâu dài chắc chắn có lợi.
Tôi từng thấy trong những năm khó khăn nhất tại các diễn đàn đầu tư, họ nói về Việt Nam với tinh thần đóng góp xây dựng, không ai đoạn tuyệt và chỉ trích nặng nề. Ngay những người từng rút dự án đầu tư khỏi Việt Nam cũng vẫn tiếp tục quan tâm theo dõi để khi có cơ hội sẽ quay lại.
* Kể cả những “Thói xấu người Việt” gần đây được nói khá nhiều?
– Từ lâu chứ không phải đến bây giờ, những người nước ngoài có kinh nghiệm đều hiểu rõ những khiếm khuyết văn hóa, lối ứng xử của người Việt Nam. Gần đây chuyện xấu có vẻ càng nhiều. Đây là điều rất đáng quan tâm, nhưng chưa ảnh hưởng nặng nề đến quyết định kinh doanh của giới đầu tư trên diện rộng.
* Có lần ông đã nói có “3 nút cổ chai” làm khó nhà đầu tư: Nhân lực, hạ tầng cơ sở và bộ máy hành chính. Vậy tình hình nay khá hơn chưa?
– Dù Việt Nam có nhiều cố gắng, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Ngoài chuyện cũ, nay còn xuất hiện lời than phiền mới: chi phí đầu vào rất cao so nơi khác vì không có công nghiệp hỗ trợ. Nguyên phụ liệu phải nhập, giá thành cao, không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
Nhà đầu tư quan tâm tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu hơn. Đã 10 năm qua rồi kể từ khi vào WTO. Thời trước rộ lên chuyện phải tích cực thay đổi cơ chế, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp…
Vậy mà kết quả chẳng được bao nhiêu. Nay vẫn phải đặt lại vấn đề cũ: năng lực, tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập.
Cần một khung pháp lý trong quan hệ kinh tế
* Vừa rồi, các doanh nghiệp lại rộ lên chuyện tự chủ kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Người thì bảo đây là mối quan hệ “số phận”, phải khôn khéo để tồn tại. Ý kiến ông ra sao?
– Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc phải nói cả hai vế: nước nhỏ bên cạnh nước quá lớn, sự phụ thuộc kinh tế là khó tránh khỏi. Trung Quốc là nơi hấp dẫn cả thế giới làm ăn đầu tư buôn bán.
Ngay những nền kinh tế mạnh như Mỹ – châu Âu, độ phụ thuộc Trung Quốc cũng ngày càng lớn. Công ty Trung Quốc mua công ty lớn như Peugeot của Pháp; lớn đến mức Chính phủ Pháp phải can thiệp mua cổ phần để còn giữ “chất Pháp” của Peugeot.
Nhưng mặt khác, quan hệ nước nhỏ với nước lớn trên thế giới như Mexico với Mỹ chẳng hạn, Mexico vẫn tham gia vào vùng mậu dịch tự do Bắc Mỹ – Canada. Mexico thiết lập khung pháp lý quan hệ kinh tế với những quy định rõ ràng, minh bạch để giữ và củng cố vị trí của Mexico với các nước lớn. Có khung pháp lý nhất định để dù có phụ thuộc cũng không dẫn đến những thiệt hại quá lớn.
* Vậy ta có thể làm được như thế không?
– Cần nhận thức rất rõ về lợi ích quốc gia, về ý đồ của chính quyền Trung Quốc để có sự chuẩn bị một cách hiệu quả.
Về vấn đề “thoát Trung”, tùy định nghĩa “thoát Trung” là thế nào. Nếu là cản trở quan hệ hai bên không xây dựng quan hệ hợp tác thì là không tưởng, vì thực tế địa chính trị – kinh tế đã rõ. Ta phải tìm kiếm một khung pháp lý mới cho mối quan hệ này.
Xác định lại nội dung quan hệ thế nào, vấn đề gì? Tùy từng vấn đề mà xác định vị trí hai bên như thế nào. Phải tự xây dựng một thực lực. Và thế là quay lại những chuyện sát sườn: thực lực yếu thì ngay lập tức sẽ bị đe dọa ngay.
* Xin cảm ơn ông!
Theo danhnhan