Ông David Dương (Dương Tử Trung) – con trai của ông vua giấy vụn miền Nam trước 1975 Dương Tài Thu) cùng người dân huyện Bình Chánh, TP HCM tham gia làm sạch môi trường
Nhưng sự ngắt quãng của một khu vực kinh tế quan trọng ở phía Nam VN, mà chỉ sau năm 1975 mới trở về một khối đã khiến các thế hệ doanh nhân cha truyền con nối thuộc khu vực địa bàn này cũng có những đặc thù riêng, đó là đặc thù của những DN tư nhân phát triển trước 1975, mà số còn lại và tiếp tục duy trì đến nay là khá ít. Vì lẽ đó, có thể nói DN VN đại đa số đều phát triển bắt đầu từ trong thập niên 1980s, đặc biệt sau thời điểm 1986 và khi thị trường chính thức mở cửa với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… được hoàn thiện. Đó lại là một khoảng thời gian khá ngắn, chỉ trong vòng trên dưới 30 năm và điều đó khiến yếu tố cha truyền con nối trong các đại gia đình doanh nhân VN cũng trở nên ít phổ biến.
Người Việt có tin “vách đá lời nguyền”?
Tuy nhiên, với rất nhiều DN, tập đoàn tư nhân đã phát triển và thực sự hưng thịnh kể từ sau giai đoạn 2000 cho đến thời kì hội nhập quốc tế hiện nay, VN cũng đã có những thế hệ doanh nhân kế thừa từ cha đến con ít nhất qua hai đời, hoặc, cũng đã xuất hiện những doanh nhân quan tâm đến câu chuyện cha truyền con nối, chú trọng đào tạo cho một thế hệ kế thừa DN nối tiếp bước chân mình trong nay mai, ngay từ khi các doanh nhân “1.0” vẫn đang còn “tại vị”.
Nhìn rộng ra trong nền kinh tế, người VN nói chung và doanh nhân VN nói riêng, cơ bản vẫn bị chi phối khá mạnh bởi một tâm lí ăn sâu trong tiềm thức, tâm lí “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Ngay cả những người phương Tây cũng có vẻ như còn bị “ngáng” bởi tâm lí này hoặc ít nhất, những số liệu của nền kinh tế toàn cầu cũng cho thấy rằng sự kế thừa từ ba đời, đời ông – cha tới cháu của một DN và tiếp tục hưng thịnh dường như trên toàn thế giới đều là một bài toán thách đố vô cùng khó giải, nó như “vách đá lời nguyền” không dễ vượt qua.
Một số liệu thống kê về các tỷ phú quốc tế (theo bình chọn của Forbes năm 2014), cho biết, thế giới có 483 tỷ phú trong danh sách, thì trong đó có tới 321 người hay 2/3 là thế hệ thứ nhất. Chỉ 20% tỷ phú thuộc thế hệ thứ 2. Dưới 10% tỷ phú thuộc thế hệ thứ 3.
Trách nhiệm của những doanh nhân đi trước với thế hệ bước sau trong hàm nghĩa một DN để lại không chỉ giản đơn là để lại tiền bạc hay tài sản!
Số liệu này nếu tính riêng ở VN (một cách cảm tính với tiêu chí thấp hơn, không đòi hỏi tỷ phú đô la), thì con số cũng chẳng khả quan hơn khi, tác động của bối cảnh lịch sử như đã nêu, mặt khác lại chịu tác động của một tâm lí vừa lạc quan, vừa… AQ (một nhân vật trong “AQ chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn – nổi tiếng với “phương pháp thắng lợi tinh thần”) trong cái nhìn ở hai chiều câu thành ngữ. Nói đúng hơn chúng ta chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay một vài gia đình doanh nhân duy trì được qua ba đời, như gia đình ông Đỗ Minh Phú (Vàng bạc đá quý DoJI) hay ở phía Nam, ngày càng thịnh vượng hai đời như một đại DN vừa mới xuất hiện trở lại gần là Cty VWS chuyên xử lí rác của ông David Duong (Dương Tử Trung) – con trai của ông vua giấy vụn miền Nam trước 1975 Dương Tài Thu. Trên thực tế thì ngay cả những gia đình đại doanh nhân hai thế hệ nổi tiếng như ông Đặng Văn Thành (Tập đoàn Thành Thành Công), ông Trần Quý Thanh (nước uống DR Thanh), ông Vưu Khải Thành (Hàng tiêu dùng Bình Tiên)… sự phát triển đến đời thứ hai của họ cũng chỉ mới gần đây và chúng ta cũng chỉ có rất ít thời gian, chưa đủ để kiểm chứng “định luật Midas” (theo văn hóa Tây phương) liệu có tiếp tục là nguy cơ đối với con đường chuyển nhượng gia tài và phát huy truyền thống gia đình của doanh nhân đi trước cho con cháu thế hệ sau ở những DN này.
Chuẩn bị cho thế hệ tương lai?
Nói đúng ra, không cứ người VN mới có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Người Trung Quốc cũng rất tin vào câu: “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ”. May mà đối với người VN, chúng ta lại còn có niềm tin là “con hơn cha là nhà có phúc”. Vì vậy, mà sự kế thừa các truyền thống, gia tài, văn hóa, để tiếp tục duy trì và phát huy cơ nghiệp của ông cha đối với các doanh nhân trẻ VN, đã và đang được đặt mục tiêu trọng tâm đào tạo – chuyển giao – trên cơ sở tiến thủ và ngày càng được quan tâm hơn.
Chúng ta có những doanh nhân trẻ đã và đang một tay gây dựng cơ đồ mà một số lượng rất lớn các doanh nhân trẻ VN tiêu biểu hôm nay là những người như vậy. Chúng ta cũng có những doanh nhân trẻ đã và đang noi gương cha mẹ mình, kiếm tiền, giữ của, nỗ lực thoát ra khỏi những cái bóng của cha, của anh, để trở thành doanh nhân độc lập và “sáng”, được kế thừa như giá trị cha, anh đã để lại. Cho dù là xuất phát điểm như thế nào thì rõ ràng gia tài mà các đại doanh nhân đi trước đã gây dựng được là vô giá. Sự chuyển giao gia tài đó cho thế hệ đời sau, cho những cá nhân con, cháu, không có nghĩa chỉ là sự chuyển giao trong khuôn hẹp của một gia đình, một DN, cho dù cái gốc của sự chuyển giao tất nhiên phát xuất từ điểm đó. Ở khuôn hẹp gia đình, sự chuyển giao đó đòi hỏi một sự đào tạo bài bản về triết lí sống, kinh nghiệm sống đến kinh nghiệm quản trị, nghệ thuật kinh doanh… cho những người chuyển giao. Ở quy mô rộng, sự chuyển giao gia tài kinh doanh cho cả một thế hệ đòi hỏi một tâm ý tiếp nhận đầy nỗ lực và quyết tâm, không dựa vào thành công quá khứ, không ỷ lại vào những gì đã có. Đó là sự chuyển giao cần được mở rộng và mang ý nghĩa cộng đồng.
Xin bàn thêm là thế giới hiện đã xuất hiện những tỷ phú không lựa chọn cách chuyển giao 100% gia tài DN như một tài sản “để dành” cho con cháu mình. Bill Gates hay Warrent Buffett là những ví dụ. Điều gì đã khiến những tỷ phú huyền thoại này lựa chọn con đường hiến tài sản thay cho chuyển giao lại cho con cái thừa kế. Câu trả lời nằm ở nhiều nguyên do khác nhau, và với những giá trị khác. Mà một trong những giá trị quan trọng chính là trách nhiệm – trách nhiệm của những doanh nhân đi trước với thế hệ bước sau – trách nhiệm với con cái của mình trong hàm nghĩa một DN để lại không chỉ giản đơn là để lại tiền bạc hay tài sản !
Theo Chủ tịch HDQT Cty Tư vấn Chiến lược Win – Win/dddn