KQKD 6 tháng: Chi phí ngành thực phẩm tăng nhanh hơn doanh thu

Nhu cầu tiêu dùng được cải thiện giúp các doanh nghiệp thực phẩm tăng trưởng doanh thu nhưng chi phí đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm.
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận của Vinamilk sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Thống kê 22 doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm (không bao gồm các công ty thủy sản) cho thấy, tổng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 37.324 tỷ đồng, tăng 15%. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng các công ty này giảm 18%, còn 3.250 tỷ đồng. 
Vinamilk, công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất ngành, có doanh thu thuần tăng 15% nhưng giá sữa nguyên liệu tăng khoảng 11% khiến tỷ suất lãi gộp bị thu hẹp đồng thời chi phí bán hàng tăng cao đã khiến tăng tưởng lợi nhuận của công ty giảm 12%.
Tuy vậy, Vinamilk đang đóng góp tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho ngành thực phẩm, lần lượt là 47% và 63%. Tỷ trọng này dựa trên doanh thu và lợi nhuận của Masan (một công ty lớn khác trong ngành) chỉ bao gồm mảng hàng tiêu dùng.
Mảng hàng tiêu dùng của Masan vẫn tăng trưởng doanh thu 33% và lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) tăng 29% trong 6 tháng qua. Nhưng khoản lỗ từ hoạt động khai khoáng khiến công ty ghi nhận lỗ 333 tỷ trong báo cáo hợp nhất.
Kinh Đô, một ông lớn khác trong ngành thực phẩm, đạt mức tăng trưởng doanh thu 5% và lợi nhuận 19% trong nửa đầu năm. Quý III mới là thời gian đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của công ty này (đến từ sản phẩm bánh Trung Thu), do đó Kinh Đô có thể đạt kết quả tích cực hơn trong nửa còn lại của năm.
Xét riêng 7 doanh nghiệp mía đường trong danh sách này, tổng lợi nhuận 6 tháng đạt 271 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm công ty liên quan đến Thành Thành Công (SBT, BHS, NHS) có kết quả tích cực. Các công ty còn lại LSS, SLS và KTS ngược lại, đều bị giảm doanh thu.
Mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong ngành còn được ghi nhận ở các công ty VinaCafe và Bibica.
VCF cho biết, doanh thu lũy kế tăng 44% so với cùng kỳ năm trước là do công ty tái tung nhãn hàng VinaCafe 3in1 và các sản phẩm mới. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính gấp 6 lần cùng kỳ đã giúp lợi nhuận ròng tăng mạnh.
Đối với BBC, tăng trưởng lợi nhuận kỳ này tăng vọt chủ yếu là do công ty đã tồn trữ một số nguyên liệu chính khiến tỷ lệ giá vốn hàng bán giảm nhẹ. Đồng thời khoản lãi tiết kiệm từ nguồn tiền nhàn rỗi khiến doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng trưởng mạnh.

Theo Bilzive