Doanh nghiệp cần chủ động

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2014 của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trên 70% TCTD cùng khẳng định hoặc dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ trong quý III và cả năm 2014. 88% các TCTD tin rằng, xu hướng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Trên 70% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng 1,24%/năm và 1,43%/năm (tính chung cả năm 2014 so với năm 2013)…


Ảnh minh họa

Đó là những con số về mặc văn bản còn trên thực tế hiện nay, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với các DN nhỏ và vừa khá khó khăn, nhất là các DN mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là khó khăn về điều kiện tài sản đảm bảo luôn phải có giá trị cao hơn số vốn vay; mà còn cần phải có báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là việc tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp là không hề dễ dàng.

Trong khi đó, theo các số liệu thống kê, hiện tại có hơn 2/3 DN gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm. Một số nhóm ngành Công nghiệp – Du lịch và Dịch vụ có lợi nhuận tương đối nhưng nhóm ngành Xây dựng – bất động sản, Thủy sản, một phần công nghiệp, vận tải có lợi nhuận thấp hơn lãi suất, làm tài sản doanh nghiệp hao hụt, mất mát. Việc nợ xấu, nợ dây chuyền giữa các DN đã làm ảnh hưởng đến uy tín DN, việc mua bán giao thương giữa các DN chủ yếu bằng dòng vốn thực thụ nên DN càng khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh. Mặc dù rất muốn tái cơ cấu lại DN, nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển bến vững nhưng với khả năng tiếp cận vốn khó khăn, dòng tiền yếu, chi phí cao, đối chọi với nhiều khó khăn và rủi ro kéo dài, làm DNNVV đang suy kiệt nhanh và chết dần. Đặc biệt, đối với các DN còn sống sót đến hôm nay, họ đã trải qua gần 4 năm khủng hoảng chứng tỏ họ là những DN có bản lĩnh tốt, có kế hoạch bài bản và nếu để họ chết một cách oan uổng do sự thiếu hợp lý trong chính sách của các thể chế nền kinh tế thì rất đáng tiếc.

Do đó, theo tôi, để tháo gỡ khó khăn này, việc quan trọng đầu tiên của NHNN là cần phải quyết liệt đẩy nhanh tiến trình giải quyết nợ xấu và lành mạnh hệ thống ngân hàng; nên chăng có một cơ chế tài chính đặc biệt nào đó dành cho DNNVV vay vốn hoặc là có chính sách nới lỏng tín dụng, giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ hoặc hỗ trợ lãi suất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với DN. Về phía DN, DN phải xây dựng kế hoạch kinh doanh trung hạn và dài hạn; giám sát và quản trị kế hoạch tăng trưởng cụ thể, tránh chung chung; chủ động chứng minh được năng lực, kế hoạch kinh doanh và khả năng trả nợ của mình. Bởi vì, với chủ trương khơi thông vốn cho DN, ngân hàng cũng phải hướng vào phát triển các ngành nghề có tiềm năng hiệu quả. Các sản phẩm đặc trưng của DN là yếu tố quan trọng quyết định dòng vốn cho DN.

Theo Giám đốc Cty TNHH MTV Quốc Tế LETAS/dddn