Bạn có biết điều gì là quan trọng đối với nhân viên hiện tại và tương lai của mình không? Bạn có cố gắng để đáp ứng những điều này? Nếu câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên là “có”, chắc hẳn bạn ít gặp rắc rối với tình trạng nghỉ việc của nhân viên. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối đầu với vấn đề nan giải này.
Ảnh minh họa
Thời gian làm việc trung bình của một nhân viên tại một công ty là khoảng 4 năm. Đây là khoảng thời gian có thể đủ hoặc chưa đủ để công ty bù lại chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên đó. Các công ty không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng nhân viên nghỉ việc, tuy vậy, vẫn có những điều mà các công ty có thể thực hiện nếu muốn giữ chân nhân tài.
Dưới đây là 6 bước các công ty cần làm để thu hút và giữ lại những nhân viên giỏi nhất:
1. Đánh giá nhà quản lý
Hãy đo lường số lượng nhân viên nghỉ việc qua nhà quản lý của họ, đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Những nhà quản lý kém sẽ đình trệ mọi nỗ lực của các nhà tuyển dụng trong việc thu hút và giữ lại người giỏi. Một khi đã xác định được vấn đề của các nhà quản lý, hãy giúp đỡ họ! Sử dụng những phương pháp đánh giá hay công cụ đánh giá để tìm ra lý do tại sao các nhà quản lý trở thành yếu tố khiến nhân viên nghỉ việc, sau đó huấn luyện họ để giúp họ lãnh đạo tốt hơn. Quản lý tốt là yếu tố quyết định đối với việc giữ chân nhân viên.
2. Xây dựng văn hóa công nhận
Trao cho nhà quản lý trách nhiệm tìm ra những điều có thể khiến nhân viên tiến xa hơn. Đưa ra những phần thưởng cho những biểu hiện xuất sắc; điều này sẽ cho mọi người cơ hội đuợc tỏa sáng khi làm tốt công việc. Một số ví dụ hay về việc công nhận nhân viên là: lời cảm ơn, giải thưởng nhân viên của tháng, giấy chứng nhận, … Sự công nhận tích cực sẽ giúp tạo ra một mội trường làm việc năng suất cao.
3. Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh
Tạo ra một môi trường mà ở đó việc nhân viên được khích lệ là bình thường. Để đạt được điều này, nơi làm việc cần có sự giao tiếp mở, tinh thần hợp tác và bầu không khí tin tưởng. Hãy trao đổi với nhân viên của bạn, nói cho họ biết công ty đang hướng đến đâu và những kế hoạch để đạt được điều đó. Đồng thời hãy đề cập đến vai trò quan trọng của họ trong kế hoạch đó và giải thích rằng họ chính là yếu tố không thể thiếu để đưa công ty đến thành công. Nếu bạn muốn người khác tin tưởng mình, chính bạn phải tin tưởng họ. Hãy trao cho người khác một vinh dự và họ sẽ không làm bạn thất vọng.
4. Tạo ra môi trường để phát triển cá nhân
Những ứng viên xin việc hiện nay luôn muốn có cơ hội để phát triển bản thân và tiếp tục trau dồi kỹ năng, khả năng và kinh nghiệm. Hãy đầu tư mạnh vào việc đào tạo, phát triển nhân viên và khích lệ nhân viên và chính công ty sẽ hưởng lợi ích từ những điều đó. Cho mọi người được tham gia vào chương trìnnh đào tạo sẽ giúp họ cải thiện kỹ năng, tăng giá trị bản thân và vỗ về lòng tự tôn của họ. Chứng minh cho nhân viên của bạn thấy rằng họ không có lý do gì để ra đi khi có cơ hội được phát triển và tào tạo ngay từ trong tổ chức.
5. Hãy tạo ấn tượng tốt
Điều tiếp theo hẳn sẽ làm khó các nhà tuyển dụng: trả lương cho nhân viên và cung cấp lợi ích cho họ hết mức bạn có thể ngay từ ngày đầu tiên. Mục đích là nhằm giảm tỷ lệ nghỉ việc và giữ lại nhân tài. Vì vậy nếu bạn hạ mức lương ban đầu xuống 15%, liệu khoản tiết kiệm ấy có đủ để chi cho việc giữ lại người giỏi nếu một công ty khác trả họ mức lương cao hơn? Chắn chắn là không. Hãy tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu và để nhân viên biết rằng bạn đã trả họ ở mức cao nhất bạn có thể ở vị trí của họ. Khi mỗi cá nhân tiến bộ, mức lương của họ cũng được điều chỉnh theo đó. Nhận biết được giá trị của mỗi công việc và sớm trả lương cho họ xứng đáng.
6. Chọn người vào đúng vị trí
Đảm bảo được rằng nhân viên được đặt vào đúng vị trí công việc phù hợp với họ dựa trên khả năng, sở thích và tính cách. Khi nhân viên được đạt vào đúng vị trí; khả năng phù hợp với yêu cầu công việc, sở thích phù hợp với tính chất công việc và tính cách phù hợp với môi trường làm việc; tỷ lệ nhân viên nghỉ việc sẽ giảm và năng suất làm việc tăng. Các nhà tuyển dụng có thể sử dụng các phương pháp đánh giá để xác định yêu cầu của mỗi công việc dựa trên khả năng, sở thích và tính cách phù hợp, sau đó sử dụng những thông tin này để đặt nhân viên của mình vào những công việc mà họ sẽ hoàn thành tốt.
Hầu như đa số chúng ta đều mong muốn có một phương pháp đánh giá nhanh chóng, dễ dàng và ít tốn kém để giữ chân nhân tài. Thế nhưng đây lại là điều không thể. Thu hút và giữ chân nhân tài có thể tốn thời gian, nỗ lực và tiền bạc. Bằng việc áp dụng 6 bước trên, các công ty có thể tránh được những nguyên nhân khiến nhân viên ra đi và giữ lại những người quyết định đến thành công của tổ chức.