Mếu – cười với nghề “săn” diễn viên

Để có một thước phim hay vài bức ảnh quảng cáo ấn tượng trên tivi, báo chí, ít người biết đến “nỗi đoạn trường” dở cười dở mếu của những người chuyên đi cast (săn tìm người hợp vai).

Ảnh minh họa

Theo sự chỉ dẫn của một “mối” lâu năm trong nghề, tôi “lên đường” với tâm lý khá thoải mái với suy nghĩ “gì chứ tìm người đẹp thì dễ ợt!”. Tự trang bị cho mình một máy chụp hình kỹ thuật số, tôi lang thang khắp các trung tâm thương mại, khu giải trí sang trọng như Diamond Plaza, Parkson, Zen Plaza, Tax, siêu thị…, nơi thường lui tới phô diễn thời trang của nhiều người đẹp.

Mất hai ngày, tôi hí hửng đưa đến cho chuyên gia casting hơn hai chục tấm hình cùng địa chỉ, số điện thoại mà tôi năn nỉ đến dày mặt mới xin xỏ được và chắc mẩm ít nhất cũng được 50.000 đồng tiền công (giá cho một chân dung được chọn… lưu để dành trong dữ liệu của một công ty casting). Sau một hồi săm soi hết mọi góc độ của tấm ảnh, “chuyên gia” lắc đầu, phán: “Không được rồi, con bé này có cái mặt gãy, da mặt lại bị rỗ bên má trái, khó quay hình lắm”.

Thế là công cốc hai ngày lang thang, mắt láo liên ngang dọc như kẻ trộm ở chốn đông người và cả xém bị ăn… đấm của “vệ sĩ người đẹp” bởi họ cho rằng tôi có “cái nhìn quá soi mói”. “Chuyên gia” hướng dẫn dắt tôi vào nghề an ủi: “Đây chỉ là một trong hàng vạn trường hợp rất đỗi bình thường của dân caster (tìm người mẫu quảng cáo). Cứ từ từ mà câu nhé người mới!”.

Cố theo thêm một tháng nữa để có thể hiểu rành rọt về nghề nghiệp còn mới mẻ và ít nhiều “thời thượng” này (là bọn bạn tôi nói thế!), tôi lại có thêm vài lần nếm mùi thất bại và biết được “công dã tràng” là như thế nào. Có những gương mặt tưởng chừng đã nắm chắc “100% trong tay” nhưng đến phút chót lại phải bỏ, chỉ vì người nhà của người mẫu không cho đi casting tiếp các vòng tiếp theo vì sợ bị lừa, sợ bị quay hình tung lên mạng và cả sợ… mất duyên con gái người ta!

Có trường hợp, sau một tuần “săn đuổi” và trổ tài ăn nói, tôi cũng đã tiếp cận được Thanh T. (đang là SV KHXH&NV) vì tin cô bé có mái tóc “đen mướt như nhung” này sẽ được “sếp” chọn cho vai quảng cáo một sản phẩm dầu gội đầu mới sản xuất. Ở vào hoàn cảnh như tôi, mới thấm chuyện tìm được một gương mặt ưng ý quảng cáo cho sản phẩm đã khó nhưng việc thuyết phục “người mẫu” chịu quay quảng cáo lại còn khó hơn vì họ cũng… ngẫu hứng và đổi ý khó mà lường trước nổi.

“Người mẫu” bất chợt hay tại tôi chưa đủ tài… thuyết phục lẫn chưa… duyên nên lần lượt các “mẫu” tôi chộp lấy đều… vuột xa khỏi tầm tay với. Không ít người khuyên tôi, nếu muốn thành công và có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm hơn thì hãy đi thọ giáo thêm chuyên gia trong nghề.

Anh Hiệp Văn (công ty D.V) kể chuyện ca sĩ Tùng Dương trong một lần được chọn làm người mẫu quảng cáo cho máy chụp hình kỹ thuật số Canon. Mọi thoả thuận đều hoàn tất, ngoại trừ việc Tùng Dương phải cắt tóc ngắn để hình ảnh được “manly” hơn. Toàn bộ êkíp thực hiện đã phải năn nỉ Tùng Dương “nhọc nhằn” suốt từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, anh mới đồng ý cho cắt tóc. Tùng Dương vừa gật đầu đồng ý, cả bọn tức tốc đưa ngay lên taxi đến tiệm tóc, dù lúc ấy đồng hồ đã chỉ gần 23 giờ, vì sợ để sang ngày hôm sau ca sĩ nghĩ lại rồi đổi ý.

Chị Bùi Việt Hà (Công ty Visual.com) cho biết: “Làm công việc casting thú vị đấy nhưng cũng có hàng ngàn chuyện khiến mình phải đau đầu”. Chị kể lại, lần công ty nhận hợp đồng quảng cáo cho một hãng dầu gội, chị đã tìm được một người rất hợp ý. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi nhưng trước ngày đi quay thử, cô người mẫu mới báo không thể tham gia vì nơi cô xin việc (tàu du lịch Singapore Star Cruise) báo cô đến nhận việc. Vì việc quá gấp, dù 10 giờ đêm chị vẫn phải ra quán cà phê thuyết phục. Mãi cũng không được, chị đành hứa liều “sẽ bồi thường nếu không được chọn đóng quảng cáo”, đồng thời liên lạc với ban giám đốc tàu xin cho cô ấy dời ngày đi làm. Lúc ấy, cô ấy mới chịu ở lại, nhưng cuối cùng công ty quảng cáo lại không chọn cô mới khổ cho người đi cast. Thế là chị phải bồi thường cho người mẫu hụt 500 USD.

Khó khăn là thế nhưng hầu như dân caster đều thừa nhận: “Không bỏ được nghề vì đã quá mê”. Quả là khi “nghề” thành “nghiệp” thì chẳng ai có thể dứt ra được, dù đôi khi “nghiệp” ấy làm mình khốn khổ. Riêng tôi, chẳng phải dân trong nghề, nên sau hơn một tháng bám trụ tìm hiểu, đã chạy… mất dép.