Phỏng vấn là khâu không thể thiếu trong một quy trình tuyển dụng. để có thể mang về được những ứng viên phù hợp nhất với công ty, nhà tuyển dụng cần có một bộ câu hỏi cũng như kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn thật chuyên nghiệp. Các dạng câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn khai thác được tối đa các ưu nhược điểm cũng như kinh nghiệm của ứng viên.
Ảnh minh họa
1. Câu hỏi dạng truyền thống
Đây là dạng câu hỏi phỏng vấn xuất hiện trong hầu hết các buổi tuyển dụng nên các ứng viên thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho dạng câu hỏi này. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng đây là những câu hỏi nhạt nhẽo. Bởi một ngày, họ có thể phải gặp hàng chục ứng viên. Với ai họ cũng lặp lại những câu hỏi giống nhau, dễ khiến cuộc phỏng vấn trở lên nhàm chán và thiếu hiệu quả.
Vậy chúng ta có nên bỏ qua bộ câu hỏi này hay không?
– Giới thiệu về bản thân
Đó là câu hỏi giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được những thông tin cơ bản về ứng viên.
Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được ứng viên có tự tin hay không, khả năng giao tiếp thế nào qua phần khởi động đơn giản nhất.
– Điểm mạnh điểm yếu của bạn?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng biết được ứng viên có ý thức được khả năng của bản thân mình không. Một nhân sự làm việc hiệu quả cần biết bản thân mình “có gì” và “thiếu gì”.
– Tại sao bạn lựa chọn công việc này?
Với mỗi dạng câu hỏi phỏng vấn như trên, ứng viên có rất nhiều cách trả lời khác nhau. Có người tự chuẩn bị cho mình những màn mở đầu ấn tượng, có người lại trả lời theo dạng cung cấp thông tin…Vì thế năng lực của ứng viên có thể bộc lộ ngay từ những câu hỏi truyền thống này.
Những câu trả lời đặc biệt, hay sẽ khiến nhà tuyển dụng có thêm hứng thú để đặt những câu hỏi tiếp theo. Chính vì thế, hiện nay nhiều ứng viên thấy lo lắng khi không lựa chọn được cho mình câu trả lời ấn tượng nhất cho phần mào đầu này.
2. Câu hỏi tình huống
Ở phần này, nhà tuyển dụng có thể hỏi ứng viên về các tình huống đã diễn ra tại cơ quan cũ của họ để xem cách ứng viên xử trí thế nào. Ví dụ một tình huống bạn đã ứng xử thành công? Tình huống bạn không tán thành ý kiến của sếp? Cãi nhau với đồng nghiệp? …
Qua những câu hỏi như vậy, nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá được ứng viên có khả năng thích nghi với các mối quan hệ hay không, làm việc nhóm thế nào, khả năng kiểm soát hành vi của bản thân?…
3. Câu hỏi hành vi
Dạng câu hỏi này cho phép nhà tuyển dụng biết được các kinh nghiệm trước đây của ứng viên. Liệu những kinh nghiệm đó có giá trị với công ty mình hay không?
Ví dụ: hãy kể về một sự cố bạn đã giải quyết trong công ty trước đây của mình, bạn sẽ làm gì để hoàn thành dự án A trong một hạn định rất ngắn với một đội ngũ có 3 thành viên?
4. Câu hỏi đuổi
Đây là một kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn vô cùng quan trọng đối với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Những câu hỏi đuổi thường là câu hỏi vặn lại câu trả lời của ứng viên. Đó là cách để nhà tuyển dụng biết được ứng viên nói thật hay nói dối. Nhà tuyển dụng sẽ không bị lầm tưởng về khả năng cũng như kinh nghiệm của người mình tuyển về.
Ví dụ câu hỏi: “Năm năm nữa bạn sẽ hình dung mình là ai?”. Giả sử câu này được hỏi để tuyển vị trí trưởng phòng marketing, và có hai ứng viên đều trả lời: “Tôi sẽ trưởng thành vượt bậc cùng với công ty”.
Câu hỏi đuổi: Thế thì anh chị hãy định nghĩa thế nào là sự trưởng thành: về kinh nghiệm, về vị trí hay về thu nhập?. Câu hỏi này nhằm xác định sự phù hợp giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu của công ty. Cá nhân có thể thích về tiền bạc, địa vị, kinh nghiệm. Trong trường hợp công ty đang cần người có tham vọng, yêu thích công việc nhưng nếu ứng viên chỉ quan tâm về thu nhập sẽ có những mâu thuẫn sau này trong khi làm việc.
Hoặc chỉ là một câu hỏi đơn giản “bạn thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi”. Nếu ứng viên nói “Tôi thích đá bóng” chẳng hạn, người phỏng vấn có thể đặt câu hỏi tiếp theo: “Thế thì tỷ số trận MU và Asernal gần đây nhất là bao nhiêu?”. Nếu họ không trả lời được thì người phỏng vấn có thể hiểu là ứng viên này không trung thực.
Với mỗi cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng nên có sự chuẩn bị trước các câu hỏi phù hợp để đánh giá được ứng viên một cách tổng thể, bao gồm nhiều yếu tố: từ hình thức bên ngoài, ngôn ngữ hình thể, tính chuyên nghiệp, trình độ học vấn, kỹ năng, đến kinh nghiệm, thái độ, động cơ làm việc, khả năng giao tiếp.
Đối với các công ty phỏng vấn theo nhiều vòng, ở vòng đầu tiên hay sử dụng phương pháp phỏng vấn thân thiện để phá tan những ngượng ngập ban đầu. Nên có nhiều người tham gia cuộc phỏng vấn.